Quốc hội thảo luận Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bổ sung đối tượng được trợ giúp pháp lý

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết, một trong những quy định được nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến là người được TGPL.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định về đối tượng được TGPL trong dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định thống nhất diện đối tượng đang được hưởng TGPL như quy định của pháp luật hiện hành và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số ý kiến đề nghị mở rộng diện người được hưởng TGPL đối với một số đối tượng cụ thể.

Về quy định này, UBTVQH lý giải, việc xác định diện người được TGPL cần phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật hiện hành và điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm tính khả thi. Theo đó, người được TGPL trong dự thảo Luật dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí sau đây: Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng; chính sách dân tộc; chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em; trợ giúp đối với một số nhóm đối tượng yếu thế nhất trong xã hội có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao cung cấp dịch vụ pháp lý.

Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi lần này cũng bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng mới được TGPL là người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính.

“Quy định về người được TGPL như dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho việc bảo đảm hoạt động TGPL một cách có chất lượng, hiệu quả. Khi điều kiện kinh tế-xã hội cho phép, sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các đối tượng mới vào Luật TGPL”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp lý Nguyễn Khắc Định cho biết.

Thủ tục để TGPL còn rườm rà

Đề cập đến quy định về xã hội hóa trong hoạt động TGPL trong dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị cần tiếp tục đa dạng hóa, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động TGPL. Ý kiến khác đề nghị quyđịnh rõ cơ chế Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp tham gia thực hiện TGPL. 

Giải trình vấn đề này, UBTVQH cho rằng, việc thu hút các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động TGPL là cần thiết, nhưng TGPL đòi hỏi phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Do đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TGPL phải bảo đảm một số tiêu chí nhất định. Do vậy, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cộng tác viên TGPL để huy động những người có kiến thức thực tiễn, đã có kinh nghiệm pháp luật và có điều kiện tham gia hoạt động TGPL ở những vùng khó khăn, không có đội ngũ làm TGPL chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng khuyến khích các tổ chức, luật sư, cá nhân khác thực hiện tự nguyện hỗ TGPL cho người dân. Về các biện pháp, cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào hoạt động TGPL, dự thảo Luật quy định nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợkhuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động TGPL”, thông qua đó uy tín nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân được nâng cao, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (tỉnh Thanh Hoá) băn khoăn khi dự thảo Luật sửa đổi lần này yêu cầu người được TGPL phải “trưng” đầy đủ các giấy tờ liên quan để được TGPL. Tuy nhiên, với người là nạn nhân của mua bán người, người bị bạo lực gia đình, trẻ em thì không phải lúc “chạy” ra khỏi nhà cũng mang theo các giấy tờ để được TGPL. Đây là những đối tượng cần được TGPL khẩn cấp thì chúng ta cũng không cần đòi hỏi các giấy tờ, thủ tục khắt khe trên.

Nhiều đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần bỏ từ “thường trú” thành từ “cư trú” trong dự thảo Luật cho những người được TGPL ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu Ngô Sách Thực (tỉnh Bắc Giang) cho rằng, trẻ em và người khuyết tật là đối tượng đương nhiên được hưởng TGPL miễn phí, nhưng dự thảo Luật lại quy định thêm là “có hoàn cảnh khó khăn” mới được TGPL là mâu thuẫn, cần được sửa đổi.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (tỉnh Bắc Kạn) đặt vấn đề: Đối tượng hộ nghèo và cận nghèo không cần bị buộc tội mới được TGPL, mà trong bất kỳ trường hợp nào có vướng mắc về pháp lý thì đều được TGPL.

Phát biểu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: TGPL là trách nhiệm của Nhà nước, Luật ban hành là để người yếu thế trong xã hội được thụ hưởng các vấn đề về pháp lý như người có điều kiện khác trong xã hội. Luật cũng bảo đảm khả thi, nâng cao trách nhiệm người thụ hưởng vì đây là tiền Nhà nước.

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi lần này khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập của Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành (Quốc hội thông qua năm 2006). Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác TGPL đối với những người yếu thế trong xã hội hiện nay.

Đồng thời, dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng được TGPL, nâng cao chất lượng, cải tiến đáng kể các thủ tục để được TGPL, giải quyết ngay cả khi chưa đủ hồ sơ, việc người thụ hưởng chứng minh mình thuộc diện TGPL là cần thiết vì phải có hồ sơ tối thiểu.

“Hiện nay, những người hiện thụ hưởng TGPL là không thay đổi như người có công, đồng bào dân tộc thiểu số… Theo tính toán sơ bộ, sau khi mở rộng đối tượng thì diện được thụ hưởng TGPL sẽ tăng từ 17 lên trên 31 triệu người. Đây là những người không có khả năng chi trả về tài chính và điều này cũng phù hợp với công ước quốc tế hiện nay”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Lê Sơn

 Nguồn: www.chinhphu.vn