Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Nên thêm các quy định của Thủ đô vào Hiến pháp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của HP trong hệ thống pháp luật, các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hướng tới mục tiêu bảo đảm HP năm 1992 sửa đổi có sự đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…

Cụ thể hóa khái niệm quyền lực nhà nước

Dự thảo HP năm 1992 sửa đổi được trình tại kỳ họp này gồm 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, dự thảo giảm 1 chương, 21 điều, giữ nguyên 18 điều, sửa đổi 95 điều và bổ sung 13 điều mới. Cơ bản thống nhất với 9 nội dung lớn được điều chỉnh trong HP lần này, các ĐBQH đã góp ý, bổ sung nhiều vấn đề hữu ích.

Quan tâm đến quy định tại điều 2 của dự thảo “… Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đề nghị HP sửa đổi cần làm rõ trách nhiệm của từng bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và hạn chế tình trạng hiện nay khi có vụ việc gì xảy ra đều quy lỗi thuộc tập thể mà cá nhân không ai nhận lỗi như thời gian vừa qua.

Tán thành quan điểm “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”, ĐB Huỳnh Minh Thiện (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị giữ nguyên điều 2 của Hiến pháp hiện hành. ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) băn khoăn, dự thảo đã đề cập “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” thì phải lấy dân làm chủ thể và những cơ chế trong HP cần được xây dựng làm sao để bảo đảm quyền bình đẳng, dân chủ thực sự của công dân.

Cần thêm những quy định cho Thủ đô

Góp ý vào Điều 14, Chương I, dự thảo quy định: Thủ đô nước CHXHCN Việt Nam là Hà Nội, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (đoàn Hà Nội) cho rằng, cách viết này chưa làm nổi bật được vị thế riêng biệt của Hà Nội với tư cách là Thủ đô mà HP cần khẳng định ngay Hà Nội là Thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam và Hà Nội được ban hành và thực hiện các chính sách đặc thù theo luật định. Cùng quan điểm, ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng, một số nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô đang vướng về HP, vì vậy trong lần sửa đổi này chúng ta nên thêm các quy định của Thủ đô vào HP, thể hiện Thủ đô là một đơn vị hành chính đặc biệt, duy nhất. Nếu HP không thể hiện được điều này sẽ rất khó cho Thủ đô Hà Nội. ĐB Vinh cũng đề xuất, HP nên xem xét đề cập thêm nội dung xây dựng chính quyền đô thị ở phần này bởi với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, rất nhiều đô thị đang phát triển lên tầm cao hơn, việc quy định này sẽ làm rõ sự khác biệt giữa chính quyền đô thị tại Thủ đô và các địa phương khác.

Khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước

Điều 55 của dự thảo đề cập tới các thành phần kinh tế cũng là nội dung được nhiều ĐB quan tâm tại phiên thảo luận. Theo dự thảo HP, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Đã có 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Ủng hộ quan điểm “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, ĐB Huỳnh Thành Đạt (đoàn TP Hồ Chí Minh) giải thích, phải có kinh tế nhà nước thì mới có điều kiện để thực hiện nền kinh tế theo định hướng XHCN. Đây cũng là quan điểm nhận được sự đồng tình của các ĐB đoàn Hà Nội, Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… trong quá trình thảo luận. Ngược lại quan điểm trên, ĐB Nguyễn Hữu Quang (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thời gian qua tính hiệu quả chưa cao đã đến lúc cần thu hẹp lại. Để thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế, HP cần bình đẳng, không nên nhấn mạnh đến thành phần kinh tế nào.

Bên cạnh đó, những nội dung liên quan bình đẳng giới, quyền công dân, quyền con người, mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Chính phủ… cũng được nhiều ĐB đề cập.

Bồi thường hợp lý sẽ giảm khiếu kiện về đất đai

Chiều 6-11, QH thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo ý kiến của nhiều ĐBQH, đất đai là một vấn đề lớn, phức tạp, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và công cuộc phát triển KT-XH, vì vậy, việc sửa đổi những điều luật cho phù hợp với thực tế là thực sự cần thiết. Hai vấn đề nóng được nhiều ĐB đóng góp ý kiến là việc định giá đất và hạn mức sử dụng đất. Về định giá đất, nhiều ĐB cho rằng, một trong những nguyên nhân của các vụ tranh chấp, khiếu kiện đất đai kéo dài thời gian qua chính là việc bồi thường với giá đất chưa thỏa đáng, gây bức xúc trong dư luận. Thêm vào đó, việc thu hồi đất hiện nay được thực hiện thông qua các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước là chưa thật hợp lý, bởi hình thức này thực chất là cưỡng chế, dễ tạo ra sự bức xúc với người dân bị thu hồi đất. Một số ĐB nêu ý kiến tán thành việc định giá đất bồi thường theo mục đích sử dụng của đất tại thời điểm thu hồi, có tính đến yếu tố đầu tư xây dựng từ trước, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân, từ đó giảm bớt khiếu kiện về đất đai. Vấn đề hạn mức sử dụng đất cũng được nhiều ĐB quan tâm. Nhiều ý kiến ĐB cho rằng ở nhiều quốc gia trên thế giới đã có những trang trại rộng tới 5.000ha, trong khi đó dự luật vẫn quy định hạn mức sử dụng đất quá nhỏ lẻ. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới tiến trình công nghiệp hóa ngành nông nghiệp và đi ngược lại chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn hiện nay.

Hỗ trợ người dân bảo đảm sinh kế sau thu hồi đất cũng được các ĐB nêu tại phiên thảo luận tổ. Có ý kiến cho rằng, sau khi thu hồi đất, đền bù cho người dân xong, chúng ta thường ít quan tâm tới điều kiện sinh kế của người dân tại khu vực này. Hệ quả là sau khi đất đai bị thu hồi, nhiều người dân không có việc làm dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực cho toàn xã hội. Vấn đề sử dụng đất sao cho tiết kiệm, hiệu quả cũng được các ĐB đề cập. Nhiều ý kiến cho rằng, qua thanh, kiểm tra ở nhiều địa phương cho thấy có không ít dự án đã thu hồi đất hơn chục năm nhưng bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả gây lãng phí lớn. Các ĐB cho rằng cần xây dựng cơ chế cho người sử dụng tạm thời trong thời gian dự án chưa thực hiện bởi những lý do khách quan nhằm giảm bớt tình trạng lãng phí đất hiện nay.

Đà Đông – Hương Ly
Nguồn: Báo Hà Nội mới điện tử