Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bổ sung dự án Luật Phòng chống tham nhũng.

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chuyển dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) từ Chương trình năm 2013 lên Chương trình năm 2012.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết Trung ương 5 đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trong đó có một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, như việc thay đổi mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, không tổ chức Ban chỉ đạo  phòng, chống tham nhũng ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; việc công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập ở nơi công tác và nơi cư trú; từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2012 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, ngoài dự án Luật Phòng chống tham nhũng, các dự án luật sau được bổ sung vào Chương trình năm 2012: Luật Biển Việt Nam (thông qua tại kỳ họp thứ 3); dự án Luật Việc làm, dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi); dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Riêng dự án Luật Đô thị, Luật Quy hoạch, Luật Thư viện bị rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế  được chuyển từ Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 3 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Theo Nghị quyết của Quốc hội Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 sẽ gồm 32 dự án luật, 4 dự án pháp lệnh trong Chương trình chính thức và 18 dự án luật trong Chương trình chuẩn bị. Theo đó, Quốc hội sẽ thông qua 12 dự án luật, trong đó đáng chú ý có Luật Hộ tịch, Luật Hòa giải cơ sở, Luật Cư trú (sửa đổi), Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi)… Riêng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối năm.

Quốc hội cũng quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII các dự án: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Ban hành quyết định hành chính; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

PV
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam