Quy định về việc Cty chứng khoán cấp tín dụng : Đâu là cơ sở pháp lý ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiện tại dường như rất ít cơ quan chức năng nào đứng ra trả lời câu hỏi CTCK có được cấp tín dụng hay không ? Điều đó cho thấy cơ sở pháp lý cho phép CTCK cấp tín dụng nói riêng và hoạt động ngân hàng là vấn đề còn chưa chắc chắn.

Đi tìm cơ sở pháp lý 

Theo Điều 4 (khoản 14) Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2011: “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.”

Về quyền hoạt động ngân hàng, theo điều Điều 8, Luật Các tổ chức tín dụng, chỉ có tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan được NHNN cấp giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng; Các cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng bị cấm, không được thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của CTCK. 

Như vậy, CTCK được cấp tín dụng cho khách hàng nếu hoạt động đó liên quan đến giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán và nếu không có liên quan đến nghiệp vụ này thì quy định còn khá mập mờ.

Lợi ích và rủi ro

 Dễ nhận thấy, việc CTCK được thực hiện thêm nghiệp vụ ngân hàng sẽ là điều kiện để cho CTCK có thêm nguồn lợi nhuận. Có thêm dịch vụ và công cụ cũng là lợi ích cho các nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả. Những khi TTCK trầm lắng, việc cho vay kinh doanh chứng khoán của CTCK đối với khách hàng là liều thuốc kích thích cho thị trường thêm sôi động…

Những giao dịch thấu chi rõ ràng là nghiệp vụ tín dụng của CTCK  làm cho thị trường thêm sôi động. Nếu thị trường vận hành tốt trong ngắn hạn sẽ là cơ sở để thị trường phát triển bền vững vượt qua những thời điểm khó khăn…

Tuy nhiên, đồng tiền nào cũng có hai mặt, việc CTCK cho khách hàng vay để mua chứng khoán quá nhiều và thiếu các điều kiện cũng dễ dẫn đến rủi ro. Những rủi ro dễ thấy có thể là cả vĩ mô (nền kinh tế, hệ thông tài chính) và vi mô (Cty chứng khoán). Có thể kể ra một vài rủi ro đáng quan tâm.

Thứ nhất là rủi ro hoạt động. Hoạt động cấp tín dụng của một tổ chức không chuyên ngành rất dễ có các rủi ro hoạt động. Việc đảm bảo điều kiện vay nợ, quản lý rủi ro,  theo dõi khách hàng để thu nợ ở các CTCK… rõ ràng kém chuyên nghiệp hơn các NHTM.  Việc chủ tịch HĐQT của một CTCK ôm hàng trăm tỉ đồng chạy trốn chắc chắn được coi là một khe hở ở đâu đó liên quan đến cho vay của CTCK. Trong lúc chứng khoán đi xuống, các nhà đầu tư cũng nhận thấy rằng, cứ CTCK nào có dư nợ tín dụng lớn sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cao (do giá xuống) hoặc phải đối mặt với nợ quá hạn.

Thứ hai, việc cho vay của CTCK sẽ dẫn đến việc các Cty này phải huy động vốn để đảm bảo việc cấp tín dụng cho khách hàng. Và như vậy về bản chất CTCK đã trở thành NHTM, mà theo quy định CTCK lại là định chế khác hẳn NHTM. Trong trường hợp nếu CTCK không đảm bảo vốn để cấp tín dụng, CTCK sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Sự phối hợp và thống nhất về chính sách giữa các cơ quan chức năng ở tầm vĩ mô sẽ đảm bảo thị trường không bị rủi ro.

Thứ ba, hệ thống tạo tiền mới ? Cho đến nay dường như không ai biết dư nợ cho vay chứng khoán của các CTCK là bao nhiêu. Theo thông báo của NHNN với báo giới, cơ quan này chỉ đưa ra dư nợ tín dụng phi sản xuất vào thời điểm cuối năm 2010 là khoảng 20% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng mà trong đó có cho vay chứng khoán mà tuyệt nhiên không hề có bất kỳ thông tin gì về dư nợ cho vay của của các CTCK.

Nếu nhìn vào quy trình chu chuyển tiền tệ và chứng khoán cho thấy, nhà đâu tư vay tiền CTCK mua chứng khoán sau đó lại thế chấp để vay tiền… nhiều lần và khá hệ thống… thì khối lượng tiền mới tạo ra là đáng kể.

Thành thử trong điều kiện này, các CTCK đã tham gia quá trình tạo tiền như hệ thống các NHTM. Trên góc độ rủi ro, việc mở rộng cho vay theo kiểu như vậy cũng làm tăng đòn bẩy tài chính của các nhà đầu tư và khi có những đổ vỡ hay chứng khoán xuống giá thì mức độ biến động sẽ trở nên trầm trọng hơn bình thường rất nhiều.

Thứ 4, nguyên nhân của tình trạng lãi suất cao ? Việc cho nhà đầu tư vay mua chứng khoán, lĩnh vực có nhiều rủi ro, lãi suất hiển nhiên là phải cao. Thực tế hiện nay cho thấy khi lãi suất ngân hàng khoảng 23%/năm thì lãi suất cho vay mua chứng khoán (hoặc tương tự như vậy) tại các CTCK đều ở mức rất cao là 27 – 28%/năm. Hiện tại chưa có nghiên cứu nào về bằng chứng của nguyên nhân lãi suất cao là do CTCK nhưng khi mặt bằng lãi suất cao hiện nay và khi DN đang thiếu tiền vốn để đầu tư sản xuất, người ta dễ đổ lỗi cho CTCK về tác nhân của lãi suất cao.

Hiện tại cơ quan chức năng đang dự thảo để đưa ra quy định: “CTCK không được cho khách hàng vay tiền để mua chứng khoán, trừ trường hợp Bộ Tài chính có quy định khác”. Cho dù đó mới là dự thảo, tuy nhiên câu chữ này vẫn phản ánh và chứa đựng sự không chắc chắn của một chính sách trong tương lai. Vì các chính sách liên quan đến cấp tín dụng, chế độ cho vay của các NHTM, quản lý hay điều tiết cung ứng tiền (quá trình tạo tiền của CTCK) là thuộc trách nhiệm của NHNN. Sự phối hợp và thống nhất về chính sách giữa các cơ quan chức năng ở tầm vĩ mô sẽ đảm bảo thị trường không bị rủi ro. Và cụ thể, thị trường có thể nghi ngại rằng, nếu Bộ Tài chính có quy định cho các CTCK được cấp tín dụng cho khách hàng mua chứng khoán nhưng đến lúc nào đó NHNN lại chiếu Luật Các tổ chức tín dụng và có quy định khác… Có thể thấy, thị trường đang cần câu trả lời thật rõ ràng cho câu hỏi: CTCK cấp tín dụng cho khách hàng mua chứng khoán: cấm hay không cấm.

Lê Thị An Châu
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp