Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn của dòng vốn FDI
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài cho biết, sẽ tiếp tục rót vốn đầu tư vào Việt Nam, nhờ sự lạc quan về khả năng phục hồi nền kinh tế và các nền tảng vững chắc.

Vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam

“Nếu trước đây, Samsung chỉ đầu tư và sản xuất, lắp ráp, thì sắp tới, Tập đoàn sẽ nâng cấp đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển để đưa Samsung Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất lớn trên toàn cầu”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nhấn mạnh điều này tại Toạ đàm với chủ đề “Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức đầu tuần này (27/9).

Vị đại diện Samsung Việt Nam khẳng định, Samsung sẽ không thay đổi chiến lược đầu tư tại Việt Nam, dù làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đang gây nhiều khó khăn cho các nhà máy sản xuất.

Tương tự Samsung, Nestlé cũng cho biết, vừa quyết định đầu tư hơn 130 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Đồng Nai trong 2 năm tới, qua đó đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Nestlé tại châu Á và châu Đại Dương. “Cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang là nhà máy hiệu quả hàng đầu của Nestlé”, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam tiết lộ.

Những kế hoạch mở rộng sản xuất của Samsung, Nestlé, hay nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khác trong 9 tháng đầu năm 2021 nói lên thông điệp nhất quán của Chính phủ trong việc tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư khắc phục khó khăn của dịch bệnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Theo kết quả một cuộc khảo sát 500 tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với một số hiệp hội doanh nghiệp thực hiện, các doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2021 và 47% các doanh nghiệp này có kế hoạch mở rộng sản xuất – kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia khảo sát đều có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam, trong đó 61,9% cam kết mở rộng đầu tư.

Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng.

Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn

“Những tín hiệu tích cực trên đã cho thấy sự lạc quan, tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ của Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Theo Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Dorsati Mandani, nhà đầu tư FDI vẫn tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vì nhiều lý do. Việt Nam vẫn nằm trong các nền kinh tế tăng trưởng tốt (năm 2020 là 2,9%) trong khi phần lớn các quốc gia khác suy giảm kinh tế nghiêm trọng. “Đó là dấu hiệu của khả năng phục hồi, cho thấy các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam là vững chắc”, bà Dorsati Mandani nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý, phải tiếp tục nỗ lực để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa hoạt động sản xuất – kinh doanh trở lại bình thường, để tránh gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, quan điểm xuyên suốt của Đảng và Chính phủ từ trước đến nay là ngoại lực quan trọng, nhưng nội lực mới là yếu tố quyết định. Với quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng vào chất lượng, hiệu quả và sự phát triển bền vững, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư nước ngoài từ xu hướng đa dạng hóa và tái định vị sản xuất thuộc các ngành công nghệ cao; đổi mới sáng tạo; có sự lan tỏa, trong đó nhà đầu tư cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, gắn với hợp tác đào tạo nhân lực; nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc tin tưởng, với chủ trương, quan điểm đúng đắn, hoạt động thu hút FDI sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam những năm tới.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và lắng nghe nhiều đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó hoàn thiện Dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2021, bảo đảm đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang xây dựng Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, từng bước mở cửa lại nền kinh tế.