Quyết đáp hợp lòng dân 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Bên cạnh những dự án quan trọng hay quyết định theo thông lệ hàng năm có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, thảo luận tại tổ và hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, điểm tạo nên ấn tượng trong thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của Quốc hội Khóa XIV là đã quyết định một số vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ. Đây đều là những chính sách hợp với lòng dân và được người dân, doanh nghiệp đón nhận, thực hiện.

Bảo đảm tính bền vững của ngân sách

Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã có “thâm niên” 2 – 3 nhiệm kỳ Quốc hội đều bày tỏ ấn tượng với việc quyết định các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước của Quốc hội 5 năm qua. Nếu như việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 và hàng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, hệ thống kế hoạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách đã trở thành thông lệ trong hoạt động của Quốc hội nhiều năm qua, hay chí ít cũng từng thực hiện trong nhiệm kỳ Khóa XIII thì trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đã lần đầu tiên thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cả trong ngắn hạn và trung hạn đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách. 

Hai Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 của Quốc hội được nhiều đại biểu đánh giá là điểm mới nổi bật hơn, rõ hơn, khác biệt so với các khóa trước. Trong đó, việc ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã đưa ra thảo luận, xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn đã giúp hình dung được bức tranh tổng thể những dự án, công trình quan trọng quốc gia, những dự án mà Nhà nước phải đầu tư ngân sách trong cả nhiệm kỳ. Qua đó, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch, có sự giám sát của 63 đoàn đại biểu Quốc hội, tức là giám sát của cử tri và Nhân dân, góp phần rất quan trọng chống hiện tượng xin – cho và cả những tồn tại mà trước đây cử tri, Nhân dân chưa bằng lòng. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) nhấn mạnh, việc quyết định hai kế hoạch này đã giúp Quốc hội nắm được ngân sách, điều tiết ngân sách, để nguồn lực, tài sản của Nhà nước được nắm chắc, cũng như phân bổ, điều tiết có kế hoạch.

Một quyết định khác cũng tạo dấu ấn trong thực hiện chức năng này của Quốc hội Khóa XIV là việc phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, đây là quyết sách đặc biệt quan trọng, đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Thay đổi diện mạo của địa phương

Nhìn từ góc độ của địa phương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, một số quyết định quan trọng của Quốc hội không chỉ tác động đến phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung mà còn thay đổi diện mạo của từng địa phương. Trong đó, quyết định đúng đắn khi dừng chủ trương đầu tư hai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận, theo đại biểu Nguyễn Bắc Việt, đã góp phần tạo ra sự chuyển mình, thay đổi diện mạo của Ninh Thuận. Liên tục hai năm nay, Ninh Thuận đã đứng ở top đầu của cả nước trong tăng trưởng, đồng thời, ngày càng thể hiện là một trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, một trung tâm du lịch vùng trọng điểm.

Từ quyết định nêu trên của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho biết, Chính phủ đã có Nghị quyết 115 thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế – xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018 – 2023. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 115 của Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận cũng đã kích hoạt lại hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, góp phần xử lý nước, an ninh nguồn điện… Từ hiệu quả triển khai của hệ thống thủy lợi đầu tiên trong cả nước có chức năng làm thủy điện tích năng này còn thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng ngành điện.

Từ câu chuyện cụ thể của tỉnh Ninh Thuận có thể thấy, quyết định của Quốc hội không chỉ tạo ra sự thay đổi, phát triển của địa phương mà còn thúc đẩy địa phương, Chính phủ ban hành và triển khai một số chính sách, dự án đầu tư có tính đột phá cao. Hiệu quả triển khai chính sách, dự án đầu tư đã thúc đẩy xây dựng, ban hành một số chính sách mới cho ngành, lĩnh vực.

Nhìn chung, các quyết sách quan trọng của đất nước được Quốc hội xem xét, quyết định trong gần 5 năm qua có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Những quyết sách này cùng với hệ thống luật, pháp lệnh được ban hành đã phát huy hiệu quả, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, hạn chế tác động tiêu cực…

Những quyết định của Quốc hội, như nhận định của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), đã tạo xung lực mới, tạo “áp lực” cho các cơ quan khác thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và điều quan trọng hơn nữa, theo các đại biểu Quốc hội là, những quyết đáp đó hợp với lòng dân, được người dân, doanh nghiệp đón nhận và thực hiện.