Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 – Xin Thứ trưởng cho biết về hiện trạng quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp hiện nay?

– THỨ TRƯỞNG NGUYỄN MẠNH HIỂN: Theo số liệu thống kê đất đai, tính đến thời điểm 01/01/2014, tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước là hơn 33 triệu ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là hơn 15,84 triệu ha, chiếm 47,87% tổng diện tích tự nhiên cả nước, bao gồm: đất rừng sản xuất là gần 7,60 triệu ha; đất có rừng phòng hộ là hơn 5,97 triệu ha; đất rừng đặc dụng là gần 2,27 triệu ha.
 
Như vậy, so với 2013 diện tích đất có rừng đã được mở rộng thêm hơn 439 nghìn ha, trong đó đất rừng sản xuất tăng 206 nghìn ha, đất rừng phòng hộ 123 nghìn ha, đất rừng đặc dụng 110 nghìn ha. Nguyên nhân diện tích đất lâm nghiệp tăng là do khai hoang, trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo quy hoạch ba loại rừng đã được phê duyệt…
 
– Với diện tích đất lâm nghiệp trên, hiện trạng về đối tượng sử dụng thực tế hiện nay như thế nào, thưa Thứ trưởng?

 
– THỨ TRƯỞNG NGUYỄN MẠNH HIỂN: Trong tổng số 15,84 triệu ha đất lâm nghiệp hiện đã giao cho các đối tượng sử dụng là 12,59 triệu ha, chiếm 79,46%. Trong đó, giao hộ gia đình, cá nhân sử dụng và bảo vệ gần 4,39 triệu ha; giao, cho thuê đối với các tổ chức trong nước sử dụng và bảo vệ 7,91 triệu ha; giao cho các cộng đồng dân cư 0,27 triệu ha; các tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê với diện tích 18,6 nghìn ha.
 
Có 3,25 triệu ha đất lâm nghiệp đã được giao cho các đối tượng để quản lý. Trong đó cộng đồng dân cư quản lý hơn 0,44 nghìn ha; UBND cấp xã quản lý là 2,81 triệu ha.
 
Như vậy, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã được giao cho các đối tượng sử dụng, quản lý và bảo vệ.
 
– Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã được thực hiện như thế nào thưa Thứ trưởng ?
 
– THỨ TRƯỞNG NGUYỄN MẠNH HIỂN:
 Tính đến 31/12/2013, theo báo cáo của các địa phương cả nước đã cấp được hơn 1,97 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với với diện tích 12,269 triệu ha, đạt 98,1% diện tích cần cấp; còn 12 tỉnh đạt dưới 85%. Đây là kết quả quan trọng nhằm giúp các địa phương quản lý chặt chẽ hơn quỹ đất lâm nghiệp. 

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương việc đo đạc lập bản đồ địa chính còn chậm do khó khăn về kinh phí nên phải tận dụng các bản đồ, tài liệu đo đạc khác hiện có hoặc chỉ đạo đo đạc bằng phương pháp, phương tiện đơn giản để cấp giấy chứng nhận; do đó, độ chính xác không cao và sẽ phải thực hiện đo đạc lại và cấp đổi lại giấy chứng nhận theo Nghị quyết số 39/2012/QH12 của Quốc hội. 
 
Nhiều trường hợp tổ chức nhất là các cơ quan, đơn vị sử dụng diện tích lớn như các nông trường, lâm trường, trường bắn, trường học, sân bay cho thuê, cho mượn đất trái phép hoặc để bị lấn, chiếm hoặc giao đất chồng lấn lên đất của tổ chức, cá nhân khác gây tranh chấp từ nhiều năm qua chậm được giải quyết…
 
Việc rà soát, sắp xếp, xác định ranh giới, mốc giới, giải quyết tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai của các nông, lâm trường, ban quản lý rừng thực hiện còn chậm, kém hiệu quả.

 – Việc rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính là yêu cầu quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, thưa Thứ trưởng?
 
– THỨ TRƯỞNG NGUYỄN MẠNH HIỂN: Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ giải pháp để phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành việc rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận và thuê đất hoặc giao đất theo quy định của pháp luật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan cũng đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đối với các nông, lâm trường các công ty nông lâm nghiệp trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp, gồm: 

Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; 

Hai là, các nông, lâm trường phải rà soát, điều chỉnh phương án sử dụng đất phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch sử dụng đất; phối hợp với chính quyền địa phương rà soát cụ thể để xử lý dứt điểm các trường hợp cho thuê, cho mượn đất; bị lấn chiếm, tranh chấp đất đai; đất liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư; đất giao khoán, đất ở, đất kinh tế hộ gia đình.

Ba là, các địa phương rà soát phê duyệt phương án sử dụng đất của nông, lâm trường; thực hiện việc xác định ranh giới, cắm mốc giới sử dụng đất, lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp GCN; thu hồi đất bàn giao cho địa phương theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt; lập phương án sử dụng đối với đất đã được bàn giao cho địa phương theo thứ tự ưu tiên để giao cho các đối tượng trong đó quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Xử lý đối với diện tích đất của nông, lâm trường bị lấn, chiếm thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng để giao cho Ban quản lý rừng quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

– Thưa Thứ trưởng, theo Nghị quyết của Quốc hội thì đến năm 2020 diện tích đất lâm nghiệp của toàn quốc là 16,245 triệu ha, xin Thứ trưởng cho biết những giải pháp để đạt được mục tiêu trên?
 
– THỨ TRƯỞNG NGUYỄN MẠNH HIỂN: Theo Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 22/11/2011 của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia, thì đến năm 2020 cả nước phải đảm bảo diện tích đất lâm nghiệp là 16,245 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng phòng hộ 5,842 triệu ha; đất rừng đặc dụng  2,271 triệuha; đất rừng sản xuất 8,132 triệu ha. Để đạt được chỉ tiêu Quốc hội giao, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, các địa phương đảm bảo quỹ đất cho phát triển rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp khoanh nuôi, trồng rừng phủ xanh trên diện tích đất trống, đồi núi trọc.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích đất có rừng phòng hộ; rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về đất đai; pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện nghiêm các nhiệm vụ giải pháp theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/ 01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế diện tích đất rừng chuyển sang mục đích khác. 

Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp nhất là đất của các nông, lâm trường bằng các giải pháp: phát triển rừng nguyên liệu gắn với phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; đa dạng hoá các nguồn thu nhập trên cơ sở xã hội hóa phát triển lâm nghiệp, giảm dần và thay thế canh tác nương rẫy bằng sản xuất nông lâm kết hợp …nhằm bảo vệ, phát triển rừng và để nâng cao mức sống cho lao động làm nghề rừng.
 
– Xin cám ơn Thứ trưởng !

Bảo Ngân thực hiệnNguồn: Báo Đại biểu nhân dân điện tử