Sở hữu trí tuệ trong TPP: Sớm sửa luật và cải thiện năng lực thực thi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sửa đổi, bổ sung pháp luật về SHTT

Ông Nguyễn Phương Minh cho rằng, với việc đồng ý các tiêu chuẩn về SHTT trong Hiệp định TPP, Nhà nước có thể tiếp tục theo đuổi chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ phù hợp với mục tiêu phát triển KT-XH, đó là dùng cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ làm công cụ để khuyến khích sáng tạo, đổi mới, chống cạnh tranh không lành mạnh để đưa các sản phẩm sáng tạo, đặc biệt là công nghệ mới để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống. Đồng thời, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút sự đầu tư ổn định lâu dài của các doanh nghiệp trong khu vực TPP nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung.

TPP hướng đến các tiêu chuẩn cao về bảo hộ quyền SHTT, đặc biệt là với dược phẩm. Đồng thời, các nước cũng cần có cơ chế thực thi hiệu quả việc bảo hộ quyền SHTT trên lãnh thổ nước mình, kể cả tại biên giới và trong môi trường Internet. Đặc biệt, phải có quy định cho phép xử lý hình sự các vụ việc xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại lớn cho người sở hữu quyền SHTT. TPP cũng yêu cầu các nước cho phép khả năng xử lý hình sự một số hình thức xâm phạm quyền SHTT mới xuất hiện như thiết kế các phần mềm phá mã điện tử để phục vụ sao chép lậu, câu trộm để phát tán tín hiệu truyền hình cáp… – Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có một hệ thống bảo hộ quyền SHTT khá hoàn chỉnh. Luật SHTT điều chỉnh hầu hết tất cả các đối tượng: nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chống cạnh tranh không lành mạnh, quyền tác giả và quyền liên quan, giống cây trồng, đáp ứng các điều kiện của hiệp định TRIPS, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO.

Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Minh Dũng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bắt tay cùng các bộ, ngành khác rà soát các quy phạm liên quan đến TPP vửa ký kết cũng như các FTAs khác. Trong đó, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật SHTT. Bao gồm, mở rộng phạm vi, đối tượng bảo hộ quyền mà luật chưa có như mùi hương, nhãn hiệu âm thanh…hoặc sửa đổi các quy định chặt chẽ hơn về sáng chế, thẩm định sáng chế; bảo hộ quyền tác giả, bảo hộ dược phẩm mới… cho tương thích.

Đặc biệt, hiện nay chúng ta vẫn chủ yếu xử lý các hành vi vi phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính. Tuy nhiên, TPP đã hình sự hóa việc xử lý các hành vi này. Tất nhiên, việc xử lý sẽ tùy theo mức độ để có biện pháp hành chính, cảnh cáo hoặc phạt tù tương ứng. Ông Trần Minh Dũng cho rằng, cũng cần phải sửa đổi Bộ luật Hình sự để xác định các thủ tục hình sự cũng như biện pháp dân sự để mà đẩy mạnh hoạt động đúng bản chất dân sự của nó. Ngoài ra, chúng ta cũng phải xem xét, gia nhập một số điều ước quốc tế về bảo hộ quyền SHTT mà TPP yêu cầu như Hiệp ước quyền tác giá năm 1996, hiệp ước về biểu diễn và bản ghi âm năm 1996.

“Bộ chúng tôi đặt kế hoạch năm 2017 tới sẽ trình Chính phủ trình QH sửa đổi Luật SHTT. Đây sẽ là nội dung cơ bản để hoàn thiện hệ thống pháp luật thực hiện các quy định SHTT trong TPP. Ngoài ra, chúng ta cũng phải xem xét sửa đổi một loạt các luật liên quan, chẳng hạn như Luật Chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa để bảo đảm tương thích với các quy định của hiệp định này,” ông Trần Minh Dũng cho biết.

Thách thức thực thi

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, sẽ “bùng nổ” các tranh chấp về SHTT khi TPP có hiệu lực bởi chúng ta là nước nhập khẩu SHTT, trong khi nhiều nước trong TPP là những quốc gia phát triển với những thương hiệu lớn. Chưa kể, ngay cả một số thương hiệu có uy tín của các doanh nghiệp Việt cũng đang than thở bởi bị làm giả, làm nhái ngay tại thị trường trong nước.

Trong khi đó, hiện nay, việc xử lý xâm phạm quyền SHTT được thực hiện bởi các cơ quan Hải quan, Quản lý thị trường, Thanh tra, Cảnh sát kinh tế thông qua các biện pháp xử lý xâm phạm hành chính. Tuy từng năm số tiền xử phạt là rất lớn nhưng tình hình xâm phạm quyền không có thay đổi đáng kể. Xâm phạm quyền SHTT vẫn là nỗi lo chung của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp; hàng giả, hàng nhái vẫn được coi là vấn nạn của xã hội.

Hiệp định TPP đòi hỏi các quy định về bảo hộ quyền SHTT phải được thực thi một cách nghiêm ngặt. Ông Trần Minh Dũng chia sẻ, “trước đây, có thể các cơ quan thực thi  khi phát hiện ra vi phạm SHTT có thể xử lý ở mức độ nào đó, hoặc quá năng lực thì có thể còn đùn đẩy cho nhau. Nhưng khi thực thi TPP thì với các hành vi đã rõ ràng buộc anh phải thực hiện.”

Ông Nguyễn Phương Minh cho rằng, ngoài việc phải tăng cường năng lực của cơ quan thực thi, vốn là khâu yếu, thì việc nâng cao vai trò của Tòa án trong quá trình xét xử các hành vi xâm phạm quyền là nhân tố quan trọng để hoạt động thực thi đáp ứng các đòi hỏi của TPP.

“Các nghĩa vụ của TPP đòi hỏi các cơ quan cơ quan quản lý nhà nước về SHTT và các cơ quan thực thi, đặc biệt là hải quan và tòa án phải được trang bị năng lực cần thiết, từ hạ tầng kỹ thuật, đến thượng tầng thông tin và đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ. Ngay đối với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam việc tham gia TPP cũng tạo ra rất nhiều thách thức trong công tác thẩm định nhãn hiệu, sáng chế cũng như các công việc khác,” ông Nguyễn Phương Minh thẳng thắn nhìn nhận.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Phương Minh, Nhà nước thông qua các công cụ của mình, cần phải bảo đảm cân bằng lợi ích, tránh những tác động tiêu cực từ các cam kết về SHTT trong TPP làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cộng đồng xã hội, người nghèo. Bao gồm các chính sách y tế để bảo đảm khả năng tiếp cận thuốc với giá cả hợp lý cho toàn dân; chính sách nông thôn để bảo đảm khả năng tiếp cận nguồn vật tư nông nghiệp với giá cả hợp lý cho bà con nông dân, đặc biệt là những người làm kinh tế gia đình tự sản, tự tiêu; chính sách văn hóa giáo dục để bảo đảm khả năng tiếp cận các sản phẩm sáng tạo mới về văn hóa-giáo dục.

Ngoài ra, cần thúc đẩy hỗ trợ việc sớm tiến hành thủ tục xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý trong nước và ở các thị trường tiềm năng để tránh bị người khác đăng ký nhãn hiệu. Nâng cao nhận thức xã hội nói chung và nhận thức của doanh nghiệp nói riêng để tạo ra văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh lành mạnh của các doanh nghiệp và của xã hội.

Trong năm 2015, Tòa án nhân dân cả nước mới chỉ thụ lý 4 vụ liên quan đến SHTT, trong đó xét xử 3 vụ và 1 vụ trả hồ sơ cho Viện kiểm sát. Còn lại, hầu hết các vi phạm về SHTT được xử lý bằng biện pháp hành chính.

Tự Cường
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân