Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

ĐBQH Siu Hương (Gia Lai): Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật BHYT

Người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ gia đình nghèo rất khó khăn trong việc phải đồng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh BHYT. Nhiều trường hợp bệnh nặng hoặc bệnh hiểm nghèo người dân tộc thiểu số không có tiền để đóng đồng chi trả 5% chi phí chữa bệnh nên bỏ điều trị hoặc nếu có điều trị thì không có khả năng đóng số tiền này, cơ sở y tế phải gánh chịu. Mặc dù Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí đóng bảo hiểm y tế nhưng số lượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn rất thấp. Thực tế ở miền núi, chênh lệch giữa hộ nghèo, cận nghèo còn cách biệt không xa, giảm nghèo chưa bền vững nên hầu hết người thuộc hộ cận nghèo không có khả năng đóng 50% BHYT và đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh. Người dân tộc thiểu số ở vùng 1 không được ngân sách nhà nước đóng BHYT 100% nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2014.

Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai chỉ có 318 người/85.190 người thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế, chiếm tỷ lệ 0,37%. Số người cận nghèo phần đông là người dân tộc thiểu số. Đây là vấn đề nan giải hiện nay trong thực hiện chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đề nghị Quốc hội sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế để bảo đảm thực hiện mục tiêu tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014.

ĐBQH Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc): Mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo

Tôi đề nghị cần điều chỉnh giá viện phí cho phù hợp với điều kiện khám, chữa bệnh hiện nay để việc chi trả BHYT đúng với giá trị của dịch vụ cho cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, giá viện phí phải phù hợp với lộ trình BHYT toàn dân. Điều quan trọng là các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là bệnh nhân có thẻ BHYT. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đề nghị tăng mệnh giá thẻ BHYT cho người nghèo và nâng mức hỗ trợ kinh phí để mua thẻ BHYT cho các hộ cận nghèo.

ĐBQH Nguyễn Thị Phương Đào (Bến Tre): Cần thực hiện đúng mục đích BHYT toàn dân

Vấn đề khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đang là vấn đề nóng bỏng và bức xúc trong đông đảo cử tri. Người sử dụng thẻ bảo hiểm không thỏa mãn nhu cầu khám, chữa bệnh. Hiện tượng khám cho toa thuốc của bác sỹ nhưng người bệnh không nhận được số lượng thuốc cấp như trong toa mà phải tự mua thêm để điều trị. Nếu là người nghèo thì việc bỏ tiền ra mua cho đầy đủ theo toa thuốc vô cùng khó khăn, nên phần lớn người nghèo được cấp thuốc bao nhiêu sử dụng bấy nhiêu mà như vậy bệnh sẽ không hết hoặc lâu hết và kéo dài thời gian điều trị, phải tới bệnh viện nhiều lần, như vậy vừa lãng phí về thời gian, vừa khổ cho nhân dân. Qua khảo sát những người có trách nhiệm ở bệnh viện thì được trả lời: các bệnh viện hiện nay cũng rất khó khăn và đau đầu về việc này do ngành bảo hiểm cho rằng thu không đủ chi nên không chuyển tiền đến bệnh viện, vì vậy, bệnh viện không mua được thuốc cho các bệnh nhân. Mặt khác, chăm sóc sức khỏe nhân dân là việc rất quan trọng và luôn biến động tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của con người, ngành bảo hiểm lại có chủ trương khoán kinh phí khám chữa bệnh cho bệnh viện là điều không hợp lý.

Theo Báo cáo thẩm tra của UB Về các vấn đề xã hội năm 2010 và năm 2011, Quỹ BHYT vẫn thanh toán theo mức viện phí cũ trong khi tỷ lệ đóng BHYT tăng từ 3% lên 4,5%, lương tối thiểu chung đã tăng 1,27 lần. Chính vì vậy, Quỹ BHYT không những đã trả hết nợ thâm hụt quỹ từ mấy năm trước vào khoảng 3.000 tỷ đồng mà vẫn còn kết dư gần 2.900 tỷ đồng năm 2011. Như vậy ý kiến cho rằng bị mất cân đối thu không đủ chi là không hợp lý. Hiện nay, tỷ lệ mua bảo hiểm toàn dân trên 60% lộ trình đến cuối năm 2014, năm 2015 phấn đấu đạt 100% nhưng nếu việc chi trả cho bệnh viện để khám chữa bệnh cho nhân dân như thời gian qua, tôi e thời gian tới khó đạt được tỷ lệ 100% theo lộ trình…

Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng cần thực hiện đúng mục đích BHYT toàn dân; đồng thời Quốc hội cần điều chỉnh sửa đổi, bổ sung Luật BHYT cho phù hợp với tình hình thực tiễn để người dân mua bảo hiểm y tế được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

PV ghi
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân