Sửa đổi Bộ luật Hình sự : Bổ sung quy định loại hình hoạt động thuộc lĩnh vực tài chính tiền tệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thực trạng tội phạm về thuế, tài chính, kế toán thời gian qua

Thời gian gần đây, tội phạm về lĩnh vực thuế ngày càng nhiều. Dự báo, tình hình về buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, tội phạm về mua bán và sử dụng các loại giấy tờ có giá giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, sự móc nối có tổ chức của một số doanh nghiệp nhằm gian lận tiền thuế ngày càng tinh vi. Điều này đang là một thách thức thức lớn trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm và tội phạm về thuế.

Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế và do ảnh hưởng của quá trình hội nhập, một số loại tội phạm mới xuất hiện như mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn xuất hiện ở rất nhiều địa phương; tình trạng các chủ doanh nghiệp lập “doanh nghiệp ma” với mục đích duy nhất để mua bán hóa đơn; việc mua bán hóa đơn nhằm thu lợi bất chính đang là vấn đề bức xúc trong dư luận và gây thất thoát tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, cũng tồn tại thực trạng là có những doanh nghiệp vừa có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng đồng thời cũng bán hóa đơn cho những đối tượng có nhu cầu. Điều này đã gây khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý của các cơ quan chức năng. Do đó, việc phòng, chống tội phạm thuộc lĩnh vực này thực sự trở thành một thách thức lớn trong công tác quản lý cũng như xử lý đối với trường hợp vi phạm.
 
Cùng với đó, tình hình tội phạm trong lĩnh vực tài chính đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng những năm gần đây diễn biến phức tạp. Từ năm 2010 đến nay, số vụ án nghiêm trọng xảy ra ngày càng tăng về số vụ và mức thiệt hại. Điều đáng quan tâm là trong các vụ án đó đều có sự tham gia, tiếp tay của cán bộ ngân hàng. Điều này đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo thống kê, chỉ tính trong 2 năm 2010 – 2011, các cơ quan chức năng đã phát hiện xác lập án điều tra 69 vụ, khởi tố 40 vụ và 70 cán bộ ngân hàng; tổng số tiền thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng và mới chỉ thu hồi được 2.000 tỷ đồng. Qua tổng kết các hoạt động đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy, các dạng vi phạm trong lĩnh vực này chủ yếu gồm 2 loại, đó là nhóm cán bộ ngân hàng và nhóm đối tượng ngoài ngân hàng. Đối với nhóm thứ nhất có 2 dạng hành vi phạm tội, chủ động phạm tội hoặc bị mua chuộc, lôi kéo dẫn đến thực hiện tội phạm. Đối với nhóm ngoài ngân hàng, thủ đoạn chủ yếu là lừa đảo, nhưng để thực hiện hành vi phạm tội thì đều phải có sự thông đồng, cấu kết, tiếp tay của cán bộ ngân hàng như tạo dựng các hồ sơ giả, giấy tờ giả, giả mạo chữ ký khách hàng gửi tiết kiệm để tham ô, lừa đảo đặc biệt là hành vi làm giả giấy tờ rút tiền, mạo tên khách hàng gửi tiền tiết kiệm để rút một phần tiền từ ngân hàng.

Thực tế cũng cho thấy, một trong những khó khăn trong việc điều tra, xử lý các tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng là thủ đoạn phạm tội của các đối tượng phạm tội rất tinh vi. Một số cán bộ ngân hàng lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội được thực hiện rất tinh vi như tạo dựng các hồ sơ giả, giấy tờ giả, giả mạo chữ ký khách hàng gửi tiền tiết kiệm để tham ô, lừa đảo. 
 
Những khoảng trống pháp lý cần được hoàn thiện

Một bất cập hiện nay ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng chính là sự thiếu các quy định của pháp luật điều chỉnh, hướng dẫn việc xử lý, giải quyết các hành vi vi phạm của lĩnh vực này. Do đó, dẫn đến tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng khó thống nhất trong việc xác định tội danh hoặc hướng xử lý.

Điều 163 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội cho vay lãi nặng: người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là có tính chất chuyên bóc lột và hưởng lợi bất chính bao nhiêu thì mới bị coi là cho vay lãi nặng…

Hay theo Điều 179 của Bộ luật Hình sự về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định: người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50  triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 7 năm; cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật; cho vay quá giới hạn quy định; hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động  tín dụng. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọngrất nghiêm trọng trong trường hợp này. Chính điều này đã gây sự lúng túng cho cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét, xử lý những trường hợp vi phạm.

Qua thực tế giải quyết các vụ việc cho thấy, trường hợp cán bộ tín dụng tuy có vi phạm các quy định của ngân hàng trong việc thẩm định tài sản thế chấp để vay vốn trước khi cho vay, nhưng chỉ do lỗi vô ý nên không thể xử lý về Tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng được mà chỉ có thể xử lý về Tội thiếu trách nhiệm.

Một bất cập khác nữa mà các cơ quan tiến hành giải quyết các vụ việc đang gặp phải đó là Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ có 1 điều quy định xử lý vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế cũng như do ảnh hưởng của thời kỳ hội nhập, hiện nay có rất nhiều hoạt động nghiệp vụ khác xuất hiện như đầu tư, chuyển tiền, thanh toán, bảo lãnh… chưa được luật hình sự điều chỉnh. Đây chính là khoảng trống pháp lý rất lớn cần phải được hoàn thiện. Trong sửa đổi Bộ luật Hình sự tới đây, cần phải nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định đối với các loại hình hoạt động thuộc lĩnh vực tài chính tiền tệ vào trong Bộ luật Hình sự. Có như vậy, mới ổn định được trật tự KT – XH cũng như lành mạnh hóa nền tài chính tiền tệ, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập.

Hà An
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân