Sửa đổi cơ chế để xử lý hiệu quả 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Thời gian qua, mặc dù công tác quản lý thu bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được tăng cường, nhưng tình trạng các doanh nghiệp tìm cách trốn, nợ đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động vẫn còn diễn ra phổ biến. Tại phiên họp toàn thể vừa qua của Ủy ban về các vấn đề Xã hội, một số ý kiến chỉ ra nguyên nhân cơ bản là do vẫn thiếu cơ chế giúp xử lý hiệu quả hành vi trốn đóng, nợ BHXH, từ đó đề nghị cần sớm rà soát, sửa đổi các quy định liên quan.
<img alt=" Nguồn: ITN" src="” width=”850px” />
Nguồn: ITN

Phân định rõ nhóm nợ

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 tại Phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban về các vấn đề Xã hội mới đây, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trong năm vừa qua, số tiền thu BHXH bắt buộc ước gần 260 nghìn tỷ đồng, đạt 100,03% dự toán được giao và tăng 5,54% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tình hình chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng. Cụ thể, tình hình chậm đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2019, chiếm 4,2% số phải thu (nợ lãi 3.017 tỷ đồng). Việc chậm đóng BHXH chủ yếu diễn ra ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chiếm đến hơn 71%. Mặt khác, năm 2020 cũng ghi nhận sự tăng nhanh chóng số tiền chậm đóng BHXH ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước, với mức tăng số tiền chậm đóng lên đến hơn 50% so với năm 2019.

Ông Nguyễn Thế Mạnh cũng cho biết, năm qua, ngành BHXH đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng BHXH như: Đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động thu ngay khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng; công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên nắm thông tin hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp, giải pháp kịp thời đối với các doanh nghiệp mới phát sinh nợ BHXH, BHTN không để nợ kéo dài, hoặc nợ với số tiền lớn. Bên cạnh đó, ngành cũng đã tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời hành vi trốn đóng BHXH. Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng tới công tác thanh tra, kiểm tra nhưng BHXH Việt Nam đã tiến hành được tổng số 8.619 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử phạt, ngăn chặn và đề nghị khắc phục hậu quả sai phạm về trốn đóng BHXH: Có 11.185 người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 80 tỷ đồng. 24.086 người lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 68 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số tiền các đơn vị sử dụng lao động được thanh tra nợ trước khi có quyết định là 1.971 tỷ đồng; số tiền các đơn vị đã nộp là 1.443 tỷ đồng.

Ngành BHXH cũng đã cương quyết xử lý những trường hợp sai phạm như chuyển hồ sơ những đơn vị không thực hiện quyết định, kết luận thanh tra đến cơ quan Công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự… Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã triển khai ứng dụng BHXH số trên thiết bị di động VSSID nhằm cho phép người lao động tự tra cứu quá trình đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH cho mình trên mạng.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, mặc dù ngành BHXH đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thu BHXH nhưng tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ Luật vẫn tương đối phổ biến, diễn ra trong thời gian dài tại nhiều địa phương. Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, con số nợ BHXH bắt buộc 11.660 tỷ đồng là đáng báo động và đề nghị Chính phủ cần phân rõ trong các loại nợ BHXH, loại nào do doanh nghiệp chây ỳ, loại nào do doanh nghiệp khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, loại nào do doanh nghiệp phá sản, giải thể… để có giải pháp phù hợp.

Khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2016 quy định, tổ chức Công đoàn có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện quy định này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TP. Hồ Chí Minh) nêu vấn đề, các điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động trong Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, để tổ chức công đoàn khởi kiện được và tòa án chấp nhận thụ lý vụ án phải có giấy ủy quyền của người lao động. Có những trường hợp tổ chức công đoàn làm thủ tục khởi kiện, tòa án lại cho rằng phải làm theo thủ tục tố tụng của tranh chấp lao động từng cá nhân.

Theo đó, tổ chức công đoàn cần có giấy ủy quyền của từng cá nhân là người lao động bị doanh nghiệp trốn, nợ đóng BHXH. Việc thiếu thống nhất giữa các quy định về khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH hiện nay tạo ra những cách hiểu khác nhau đã gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện. Vì vậy, bà Trần Kim Yến đề nghị, cần sớm sửa luật nhằm khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH.

Đánh giá cao việc BHXH Việt Nam tăng cường ứng dụng công cụ quản lý và tra cứu BHXH – VSSID, song đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chưa có sự liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam, BHXH Quân đội, BHXH Công an với các cơ quan liên quan khác. Bà Trần Kim Yến đề nghị, cần đẩy nhanh việc liên thông các hệ thống, dữ liệu giữa các cơ quan liên quan đến BHXH nhằm giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình đóng BHXH, hạn chế số doanh nghiệp nợ BHXH. Với những doanh nghiệp nợ đóng BHXH đến thời hạn nhất định, việc phát hiện, xử lý kịp thời sẽ giúp tránh tình trạng “nợ khó đòi”.

Thực tế cũng cho thấy, biện pháp kiến nghị xử lý hình sự đối với những trường hợp trốn đóng BHXH chưa được thực hiện, ngoài một số trường hợp doanh nghiệp chuyển tiền trả nợ trong quá trình điều tra của cơ quan công an. Theo báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân của tình trạng khó xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH là do việc thu thập hồ sơ, tài liệu xác định tội danh hình sự về trốn đóng BHXH gặp nhiều khó khăn như: Báo cáo tài chính của đơn vị chưa sát với thực trạng hoạt động của đơn vị, đơn vị không phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu. Một số cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu ngoài thẩm quyền của cơ quan BHXH như: Hợp đồng lao động bản chính, bảng lương tất cả nhân viên của đơn vị, yêu cầu về xác định giám định viên tư pháp của cơ quan BHXH, các biện pháp cưỡng chế của cơ quan BHXH đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, việc một số cơ quan điều tra yêu cầu cơ quan BHXH phải cung cấp những hồ sơ, tài liệu ngoài thẩm quyền của cơ quan BHXH là bất hợp lý. Qua nghiên cứu hệ thống pháp luật hiện hành cho thấy, người có nghĩa vụ đóng BHXH mà không đóng quá 6 tháng thì sẽ bị xử lý hình sự. Câu chuyện phải làm rõ ở đây là ai là người có nghĩa vụ đóng BHXH trong doanh nghiệp sử dụng lao động thì mới xác định đúng đối tượng truy cứu trách nhiệm. Nêu lên thực tế này, ông Nguyễn Hoàng Mai kiến nghị, các cơ quan hữu quan cần ngồi lại với nhau để làm rõ, xác định xem chủ thể bị xử lý hình sự khi trốn đóng BHXH là ai; đồng thời đề nghị, các cơ quan tư pháp có hướng dẫn xử lý hình sự đối với tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Ở góc độ khác, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, một trong những nguyên nhân của bất cập, hạn chế trong thi hành Luật BHXH là thiếu cơ chế xử lý hiệu quả đối với hành vi sai phạm, trốn đóng BHXH. Ông cũng nhấn mạnh, Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã quy định về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này và hướng xử lý hiện nay là khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH, tức là “đẩy” hành vi trốn đóng BHXH sang thành “tranh chấp” để khởi kiện dân sự.

“Cách làm này không đúng và ngay chính giữa tòa án và các cơ quan khác cũng chưa có sự phối hợp để sửa đổi cơ chế xử lý”. Nhấn mạnh điều này, Phó Trưởng ban Dân nguyện đề nghị, cần sửa đổi cơ chế xử phạt đối với hành vi trốn đóng BHXH nhằm tránh tình trạng tái diễn nhiều nhưng không giải quyết được.