Sửa đổi hiến pháp trong “xu thế của thời đại”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, xét tổng quát nhất, đây là một chủ trương khá mới, ít nhất là trong sự so sánh với việc sửa đổi Hiến pháp năm 2001. Trong sửa đổi Hiến pháp lần trước, định hướng chủ yếu được đưa ra là sửa đổi Hiến pháp phải phản ánh bối cảnh đổi mới ở Việt Nam – kết quả của gần 20 năm thực thi cải cách mở cửa. Trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này, ngoài những chủ trương khác, các nhà thảo hiến chủ trương Hiến pháp sửa đổi phải phù hợp với xu thế của thời đại. Chủ trương này, có lẽ, do sự toàn cầu hóa mang lại.

Hiểu theo một nghĩa hẹp nhất, tôi suy nghĩ nếu Hiến pháp sửa đổi phù hợp với xu thế của thời đại, nó phải phù hợp với xu thế chung của sự phát triển hiến pháp đang diễn ra trên thế giới hiện nay. Xu hướng chung đó là gì? Đây là một câu hỏi lớn, không thể trả lời trong một bài viết ngắn. Tuy nhiên, có thể trình bày ngắn gọn hai xu hướng của sự phát triển Hiến pháp mà các nhà thảo hiến nước ta có thể sẽ quan tâm: thứ nhất, sự toàn cầu hóa của luật hiến pháp; và thứ hai, sự hiến pháp hóa của trật tự toàn cầu.

Thứ nhất: sự toàn cầu hóa của luật hiến pháp.

Điều này nói một cách ngắn gọn là quá trình mở rộng toàn cầu của những chuẩn mực hiến pháp cơ bản. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, chỉ trừ một thiểu số như Anh, New Zealand, đều có một hiến pháp thành văn. Quan trọng hơn, hiện tượng du nhập, vay mượn, hay cấy ghép hiến pháp đang trở thành một hiện tượng có tính toàn cầu. Điều này làm cho hiến pháp của các nước khác nhau, dù có nhiều khác biệt về chi tiết, nhưng thống nhất ở một số chuẩn mực cơ bản: pháp quyền, nhân quyền, phân quyền, tư pháp độc lập, và tài phán hiến pháp.

Một hiện tượng đặc biệt trong quá trình toàn cầu hóa luật hiến pháp là sự toàn cầu hóa tòa án hiến pháp. Định chế tòa án hiến pháp được du nhập vào đa số các nền dân chủ mới nổi. Trong khi một nghiên cứu được tiến hành từ năm 1978 cho thấy chỉ 26% các hiến pháp thành văn thiết lập tòa án hiến pháp, khảo sát gần đây (2003) của Giáo sư Tom Ginsburg ở trường Luật Chicago cho thấy tòa án hiến pháp là hình thức bảo hiến chiếm ưu thế trong các nền dân chủ mới với 75%. Đáng chú ý, các nền dân chủ ở châu Á như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Mông Cổ đã không cưỡng lại được làn sóng toàn cầu hóa tòa án hiến pháp.

Thứ hai, sự hiến pháp hóa trật tự toàn cầu.

Nếu bạn truy cập vào trang web: http://home.heinonline.org/, một trang web cung cấp các nghiên cứu luật pháp được công bố trên các tạp chí lớn trên thế giới, bạn tìm kiếm thông tin với ký tự “constitutionalism” (chủ nghĩa hợp hiến), và giới hạn sự tìm kiếm từ năm 2000 trở lại đây, bạn sẽ thấy xuất hiện một khối lượng lớn các nghiên cứu về chủ đề “global constitutionalism” (chủ nghĩa hợp hiến toàn cầu) hoặc “transnational constitutionalism” (chủ nghĩa hợp hiến liên quốc gia). Chủ nghĩa hợp hiến toàn cầu là tiêu biểu của khuynh hướng hiến pháp hóa trật tự toàn cầu. Trong xu thế của thời đại ngày nay, những chuẩn mực hiến pháp cơ bản không chỉ được ứng dụng ở phạm vi quốc gia mà đang có khả năng ứng dụng đối với các định chế quốc tế, ví dụ như Liên hiệp quốc. Các học giả quốc tế đang bàn nhiều về khả năng ứng dụng các chuẩn mực pháp quyền, phân quyền, hay tài phán hiến pháp trong các định chế quốc tế. Đặc biệt, người ta đặt ra vấn đề: có thể có một thứ tòa án hiến pháp quốc tế hay không?

Tóm lại, những thành tựu cơ bản của sự phát triển hiến pháp trên thế giới như hiến pháp thành văn, pháp quyền, phân quyền, nhân quyền, tài phán hiến pháp, tư pháp độc lập, đang được vay mượn, cấy ghép vào các vùng khác nhau của thế giới, và đang có khả năng mở rộng sự ứng dụng ra khỏi phạm vi quốc gia để có hiệu lực đối với các định chế toàn cầu. Điều này có thể cần phải lưu ý trong chủ trương “sửa đổi Hiến pháp phù hợp với xu thế của thời đại” ở Việt Nam.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online