Sửa luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sau 2 hội nghị tại TPHCM và Đà Nẵng, ngày 10/11 Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết thi hành Luật Du lịch 2005 và đề xuất nội dung xây dựng dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) tại Hà Nội.

Luật Du lịch được Quốc hội thông qua trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch vào tháng 6/2005, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006.

Sau 10 năm thực hiện, Luật Du lịch 2005 đã thực sự phát huy vai trò đối với sự phát triển của ngành du lịch nước ta, tuy nhiên, đến nay đã xuất hiện nhiều yếu tố mới tác động đến việc thực hiện.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, trong 10  năm qua, bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế với nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế phải thực thi. Đặc biệt, với việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã cam kết mở cửa theo lộ trình về nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch.

Ở trong nước, kinh tế đất nước phát triển, cũng như sự phát triển của chính ngành du lịch, cùng với đó là những đòi hỏi của cơ chế thị trường, đã khiến nhiều điều khoản quy định trong Luật Du lịch 2005 không còn phù hợp với thực tế, dẫn đến việc thực hiện Luật gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn như những quy định về thuế đất, quy chế thu hút đầu tư, cơ chế quản lý đào tạo nguồn nhân lực… những vướng mắc này không thể giải quyết được bằng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Du lịch 2005 do trong Luật chưa có quy định, hoặc quy định không còn phù hợp.

Với nhiều vấn đề phát sinh gây khó khăn cho hoạt động du lịch trong thực tế, do đó, việc hoàn thiện luật du lịch mới sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho du lịch phát triển.

Để chuẩn bị cho việc soạn thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Tổng cục Du lịch đã rà soát các quy định Luật Du lịch năm 2005 và bổ sung, sửa đổi một số nội dung.

Trong đó có một số nội dung mới chưa có trong Luật Du lịch năm 2005 như: Quy định về du lịch bền vững, nguồn nhân lực, quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, thống kê du lịch.

Trong Luật Du lịch sửa đổi cũng có các quy định về hành vi nghiêm cấm khách du lịch vi phạm quy định sở tại khi đi du lịch nước ngoài; xếp hạng chất lượng vận chuyển; kinh doanh và bảo hiểm lữ hành nội địa; quyền được lựa chọn một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch của khách du lịch…

Ngoài ra, trong Luật Du lịch sửa đổi cũng có 10 nội dung được sửa đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay, trong đó có quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, xúc tiến du lịch, quy hoạch du lịch, điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…

Tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Du lịch 2005 và đề xuất nội dung xây dựng dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) này, các đại biểu đến từ các doanh nghiệp, Sở VHTT&DL một số tỉnh, thành phố phía Bắc đã cho ý kiến về nhiều vấn đề liên quan đến Luật Du lịch (sửa đổi).

Trong đó có nội dung về kiểm soát chất lượng cơ sở lưu trú; vai trò, trách nhiệm của địa phương trong duy trì an toàn cho du lịch, đảm bảo môi trường du lịch; phát triển du lịch bền vững; xếp hạng các cơ sở lưu trú; cấp thẻ cho hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch, ký quỹ lữ hành quốc tế là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và ý kiến đóng góp nhiều nhất.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định sẽ tiếp thu tổng hợp tất cả các ý kiến đánh giá để làm cơ sở cho việc sửa đổi Luật Du lịch một cách thiết thực, sát với thực tế phát triển của ngành du lịch, từ đó tháo gỡ những khó khăn để thúc đẩy hỗ trợ ngành du lịch phát triển tương xứng với vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Nguyệt Hà

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ