Sửa thuế, doanh nghiệp lại phải thay hợp đồng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 103/2014/TT-BTC (TT 103), có hiệu lực từ 1/10/2014, hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh và có thu nhập tại Việt Nam. So với quy định cũ thì TT 103 có nhiều điểm mới như bổ sung thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia hợp đồng kinh tế hoặc dự án tại Việt Nam, chuyển nhượng quyền tài sản tại Việt Nam.
Hay tỷ lệ thuế TNDN 1% trên doanh thu tính thuế được áp dụng đối với việc cung cấp hàng hóa theo tất cả các điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms) mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam… Nhưng do, “các DN trong nước vẫn chưa thông tỏ nên cảm thấy bối rối”, bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc tài chính Công ty TNHH T.A (Quận 1, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Nguyên nhân là bản thân DN cũng chưa thể hiểu hết được ý tứ trong quy định. Nếu không nói là các quy định trong TT 103 về thuế phần lớn đều bỏ lửng cho DN tự mày mò, đặc biệt là thuế nhà thầu. Ví dụ, một công ty nước ngoài A bán hàng cho công ty B (Việt Nam) thông qua công ty môi giới C (Việt Nam). Theo quy định, công ty B phải nộp thuế nhà thầu giúp cho công ty A, nhưng cũng có thể, cả A và B đều đồng ý nộp thuế nhà thầu nhưng câu hỏi đặt ra của công ty A sẽ nộp thuế kiểu gì và nộp theo hình thức nào để họ có thể tính thuế tại nước sở tại?
“Trên thực tế, chẳng có câu chữ nào trong TT 103 quy định rõ ràng về tỷ lệ phải nộp và nộp theo hình thức nào. Sự lơ lửng của ngành thuế khiến các DN cứ phải chạy theo để chỉnh sửa hợp đồng mỗi khi chính sách ban hành”, một DN than vãn.
Một câu chuyện khác, cũng không còn mới, nhưng đến nay phần lớn DN vẫn loay hoay trong cách áp dụng, đó là câu chuyện “chuyển giá”. Theo ông Trần Tuấn Trình, Giám đốc tài chính Công ty B.H (quận 10) nhiều năm qua, cơ quan thuế đã nhận thấy có dấu hiệu chuyển giá tại một số công ty thuộc các tập đoàn đa quốc gia như Coca-cola, Adidas, Metro Cash& Carry, BigC…
Trong nỗ lực chống chuyển giá, cơ quan thuế đã kiến nghị, bổ sung vào Luật Quản lý thuế sửa đổi điều khoản về thỏa thuận tỷ lệ lãi nhất định để nộp thuế TNDN. Những quy định mới này kèm theo việc kiểm tra gắt gao DN tăng trưởng doanh thu, mạng lưới, thị phần mở rộng rất nhanh, nhưng có báo lỗ, hoặc lãi ít, nộp thuế thấp ở cả công ty trong và ngoài nước. “Thực tế, DN chúng tôi đang phải kê khai lại rất nhiều hồ sơ về giá và cách tính thuế mới khiến công việc vô cùng bận rộn”, ông Trình nói.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch hội tư vấn Thuế Việt Nam thừa nhận rằng, mỗi lần có bổ sung và thay đổi chính sách thuế thì DN rất đau đầu. Nguyên nhân là do cán bộ thuế không có chuyên môn sâu, ví dụ, về lĩnh vực sản xuất, xây dựng… nên rất khó xác định giá thành nguyên vật liệu. Đơn cử, nhà thầu bê tông chỉ cần cho thêm chất phụ gia thì giá bê tông có thể tăng gấp vài lần. Khi đó, cán bộ thuế cũng khó bóc tách chi phí của từng hạng mục, công trình, dự án để xác định chi phí nào không hợp lý.
Cũng theo bà Cúc, cơ quan thuế không thể nắm rõ tập đoàn đầu tư tại Việt Nam có bao nhiêu công ty con, nằm ở nước nào, có mối quan hệ ra sao. Do đó, rất khó xác định được công ty hoạt động ở Việt Nam có quan hệ liên kết, từ đó có việc giao dịch liên kết để chuyển lợi nhuận hay không? Từ đó, cơ quan thuế buộc phải bổ sung thêm nhiều quy định để kiểm soát chặt quá trình hoạt động của DN nhằm hạn chế các trường hợp trốn thuế ngay từ đầu.
Đối với trường hợp áp dụng thuế nhà thầu theo hướng mang thêm nhiều lợi ích cho DN thông qua việc giảm mức điều tiết thuế, nới rộng chi phí tính thuế… như TT 103, DN sẽ phải xem xét lại toàn bộ hồ sơ có liên quan đến đối tác nước ngoài để rà soát lại các khoản thuế nhà thầu phải nộp.
Quỳnh ChiNguồn: http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/5-sua-thue–doanh-nghiep-lai-phai-thay-hop-dong-25383.html