Tăng khả năng khởi kiện cho tổ chức bảo hiểm xã hội
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đối với công tác thi hành án dân sự, có thể nói, bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những lĩnh vực hiện đang gặp nhiều khó khăn nhất. Qua xác minh của Thanh tra Chính phủ, tình trạng người sử dụng lao động không tham gia BHXH cho người lao động, không đóng đủ số lao động và số tiền, thu tiền của người lao động mà không nộp cho cơ quan BHXH diễn ra rất phổ biến. Việc xử lý các đơn vị để thu hồi khoản nợ BHXH không hề dễ dàng.

Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, từ năm 2010 – 2013, BHXH đã khởi kiện gần 4 nghìn doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền 1.788 tỷ đồng nhưng chỉ có 1,2 nghìn bản án được thi hành với số tiền thu hồi được qua xét xử là 470 tỷ và 266 tỷ từ hòa giải. Con số này cho thấy, trường hợp khởi kiện so với thực tế vi phạm về việc đóng BHXH đã hạn chế, trường hợp thi hành án càng khiêm tốn hơn. Một số cơ quan BHXH tỉnh đến nay vẫn chưa tiến hành khởi kiện là Bắc Kạn, Bạc Liêu, Điện Biên, Hà Giang, Hưng Yên, Lạng Sơn và Vĩnh Long (theo Thanh tra Chính phủ).

Theo quy định tại khoản 3, Điều 162 Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị định số 05 ngày 17.1.2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam, cơ quan BHXH cấp huyện có quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH thuộc phạm vi quản lý. Song, thực tế tại hầu hết tòa án nhân dân tại các tỉnh, thành phố không chấp nhận quyền khởi kiện của các đơn vị này hoặc yêu cầu phải có sự ủy quyền của BHXH Việt Nam để khởi kiện. Yêu cầu này – theo Trưởng ban Pháp chế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Ths Phan Văn Mến là không có cơ sở, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của BHXH địa phương. Vì vậy, cần ghi nhận chính thức quyền khởi kiện của cơ quan BHXH vào Luật BHXH (sửa đổi) tới đây; đồng thời, xem xét bổ sung vào Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) điều khoản quy định thẩm quyền, tư cách khởi kiện độc lập của cơ quan BHXH.

Trong trường hợp vụ việc được thụ lý thì việc xác minh điều kiện thi hành án cũng như chuẩn bị hồ sơ khởi kiện của cơ quan BHXH theo yêu cầu của cơ quan thi hành án cũng rất phức tạp. Phó vụ trưởng vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Ts Trần Văn Đạt cho biết: các đơn vị nợ BHXH không hợp tác cung cấp thông tin hoặc thông tin không chính xác. Ví dụ, đối với việc xác nhận công nợ, cơ quan thi hành án yêu cầu biên bản nhưng nhiều doanh nghiệp không ký vào biên bản đối chiếu, xác định công nợ, do vậy cơ quan BHXH đành phải chấp nhận từ bỏ đơn kiện. Để giải quyết việc này, Ts Trần Văn Đạt đề xuất: không yêu cầu cơ quan BHXH (nguyên đơn) có trách nhiệm cung cấp và chứng minh tài sản của đơn vị nợ BHXH (bị đơn). BHXH là cơ quan của Nhà nước khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước càng không phải tự xác minh điều kiện thi hành án.

Bên cạnh đó, thời gian thụ lý hồ sơ và đưa ra xét xử đối với các vụ việc liên quan đến BHXH cần được rút ngắn. Nếu vẫn giữ thời gian đưa ra xét xử là 2 tháng đối với vụ việc thông thường, 4 tháng đối với vụ việc phức tạp và có thể gia hạn 1 tháng đối với vụ việc thông thường, 2 tháng đối với vụ việc phức tạp như  Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì chỉ tiếp tay cho các đơn vị vi phạm đóng BHXH có thêm thời gian tẩu tán tài sản, bỏ trốn cũng như tiếp tục nợ phát sinh và đến khi xét xử thì thực tế số nợ đã không còn như cũ, cơ quan BHXH lại phải bổ sung hồ sơ. Tòa án tối cao cũng cần có hướng dẫn thống nhất về thành phần hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tố tụng.

Bạch Dương
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân