Tăng thuế suất 10%, liệu có giảm tiêu dùng thuốc lá không?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá đã dừng ở mức 65% suốt từ 2008 cho tới nay. Trong cùng thời gian, thu nhập tính theo GDP bình quân đầu người đã tăng trung bình khoảng 7%, chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng trung bình khoảng 6%/năm. Điều này khiến cho giá thực của thuốc lá (giá sau khi đã điều chỉnh lạm phát) đang ngày càng rẻ đi và sức mua thuốc lá của người Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo một nghiên cứu của WHO thì sức mua thuốc lá của người Việt Nam đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn từ 1995 – 2008. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tiêu dùng thuốc lá gia tăng nhanh chóng trong cùng thời gian. Sản lượng nội tiêu của ngành công nghiệp thuốc lá đã tăng trung bình 11% trong giai đoạn 1990 – 2013. Mức tiêu thụ bình quân đầu người giai đoạn 2002 – 2012 tăng từ 835 lên 945 điếu/người/năm. Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ vào hàng thấp nhất trong khu vực, chỉ đứng trên Campuchia. Giá thuốc lá rẻ là nguyên nhân chính khiến tiêu dùng thuốc lá gia tăng, đặc biệt là ở thanh thiếu niên.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các chính sách về thuế và giá có vai trò đặc biệt quan trọng trong giảm tiêu dùng thuốc lá, khoảng 50%. Ngân hàng thế giới đã ước tính, nếu tăng thuế để giá bán lẻ thuốc lá tăng 10% thì tiêu dùng thuốc lá giảm 5%. Ở thanh thiếu niên và người nghèo, mức giảm sẽ cao hơn do đây là hai nhóm người nhạy cảm hơn với giá thuốc lá.

Với mức đề xuất tăng thuế như hiện nay của Chính phủ (tăng thêm năm điểm phần trăm vào năm 2016 và thêm năm điểm phần trăm và năm 2019 thì ước tính chỉ đạt mức tăng giá bán lẻ trung bình khoảng 1%/năm trong giai đoạn này, trong khi đó GDP bình quân đầu người ước tính sẽ tăng trung bình ở mức 5%. Như vậy với mức đề xuất hiện nay thì tăng giá vẫn chưa theo kịp mức tăng thu nhập hay có nghĩa là sức mua thuốc lá của người Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng do thuốc lá vẫn tiếp tục rẻ đi so với thu nhập. Như vậy với mức thuế suất được đề xuất hiện nay sẽ không giúp cho Việt Nam kìm hãm đà tăng tiêu dùng thuốc lá và đạt mục tiêu quốc gia về giảm tiêu dùng thuốc lá.

Vậy mức thuế cần tăng ở mức độ nào để có thể hướng tới mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc. Theo ước tính của các chuyên gia WHO và một số cơ quan nghiên cứu Việt Nam, để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc do Chính phủ đề ra. Với giả định vai trò của thuế và giá chỉ chiếm 50% và 50% dành cho việc thực thi các chính sách khác thì thuế thuốc lá cần đạt mức 105% vào năm 2015 và mức 145% vào năm 2018. Ở mức khiêm tốn nhất, cải cách thuế cũng cần hướng tới mục tiêu chặn đà tăng của sức mua đang gia tăng hiện nay. Muốn đạt được mục tiêu khiêm tốn này, thuế thuốc lá cũng cần phải đạt mức 85% vào năm 2015 và 105% vào năm 2018 từ mức 65% hiện nay. Hay nói cách khác thuế suất phải tăng trung bình 10%/năm để có được mức tăng giá bán lẻ tương đương với mức tăng thu nhập.

Sử dụng thuốc lá gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế. WHO ước tính, mỗi năm, thuốc lá gây ra 40.000 trường hợp tử vong sớm cho người Việt Nam. Thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh trong đó có những bệnh mãn tính nguy hiểm như ung thư, tim mạch, bệnh phổi mãn tính… Các bệnh mãn tính do thuốc lá đã gia tăng nhanh chóng trong vài thập niên gần đây và là nguyên nhân chính cho tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế và là gánh nặng với ngân sách nhà nước. Chi phí về mặt y tế do thuốc lá gây ra đối với 5 trong 25 căn bệnh có liên quan đến thuốc lá năm 2011 ước tính là hơn 23 nghìn tỷ đồng.

Hạnh Nguyên
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân