Tăng thuế với xăng dầu: Giảm năng lực cạnh tranh?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít, chắc chắn sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, đẩy chi phí của tất cả mặt hàng và dịch vụ khác, nhất là cước vận tải. Điều này sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng phải làm rõ tiền thu thuế bảo vệ môi trường trong các năm qua, như năm 2016 thu được hơn 40.000 tỷ đồng thì việc chi cho bảo vệ môi trường như thế nào và mang lại hiệu quả ra sao.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á cho rằng nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng lên 8.000 đồng/lít như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ tác động rất lớn đến chi phí logistics, chiếm tỉ lệ rất lớn trong giá thành sản xuất hiện nay của các doanh nghiệp.

“Theo tôi, cần có sự xem xét một cách hài hòa, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu bắt buộc phải tăng, tôi cho rằng Bộ Tài chính phải có lộ trình, chia làm nhiều đợt để doanh nghiệp còn có phương án chủ động ứng phó”, ông Trung nói.

Bà Đặng Minh Phương, CEO Minh Phương Logistics, nhận định với mức tăng quá cao như vậy, chưa kể giá xăng dầu cũng vừa điều chỉnh tăng cách đây chưa lâu, chắc chắn giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ tăng tương ứng hoặc tăng cao hơn.

Khi đó, không chỉ người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà bản thân các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. “Cũng là người sử dụng lao động, chắc chắn chúng tôi phải tính toán lại chi phí nhiên liệu cho nhân viên, vì rõ ràng với quãng đường di chuyển như trước, hằng tháng họ phải bị trả thêm chi phí để đến công ty”, bà Phương cho biết.

Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may quốc tế Thắng Lợi nhận định, nếu đề xuất này của Bộ Tài chính được thông qua, chỉ riêng doanh nghiệp ngành sản xuất dệt may, chi phí vận chuyển cộng với chi phí nguyên liệu đầu vào sẽ làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 5-7% so với trước, ảnh hưởng khả năng cạnh tranh.

“Theo tôi, làm gì cũng cần nhìn đến “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong nước. Ngành dệt may hiện bị áp lực rất lớn từ nhiều phía. Chỉ cần giá xăng tăng thôi, chi phí của từng sợi chỉ, cái cúc cũng tăng theo vì mọi thứ đều liên quan đến nhau”, ông Hòa cho biết.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, lý do Bộ Tài chính dự thảo điều chỉnh thuế môi trường lên mức tối đa 8.000 đồng/lít với mặt hàng xăng trong bối cảnh hiện nay rất khó thuyết phục được người dân đồng thuận.

Theo ông Cung, cách tốt nhất là phải minh bạch nguồn thu và nguồn chi sử dụng tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường theo từng giai đoạn, theo từng năm để người dân theo dõi. Ở các nước họ cũng thu thuế bảo vệ môi trường. “Người dân đều đồng thuận thu thuế bảo vệ môi trường nếu như số tiền người dân nộp thông qua giá xăng dầu được sử dụng quay trở lại phục vụ chất lượng sống của người dân. Nếu người dân biết tiền họ nộp thuế bảo vệ môi trường được dùng vào công tác bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường thì dù có tăng thêm thì người dân vẫn sẽ đồng thuận”, ông Cung nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, kinh nghiệm ở các nước cho thấy, người dân vẫn sẵn sàng chấp nhận tiền thuế bảo vệ môi trường tăng gấp 3-4 lần nếu như tiền nộp được đưa vào một quỹ riêng phục vụ công tác bảo vệ môi trường hoặc dùng để đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. “Thuế bảo vệ môi trường tăng mà người dân không được biết tiền đóng đi đâu thì rất khó nhận được sự ủng hộ. Còn vin nguồn thu khó quá để tăng thuế thì càng không được sự ủng hộ”, ông Cung nói.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn 2012-2016, tổng thu thuế bảo vệ môi trường đạt 11.160 tỷ đồng vào năm 2012 (chiếm 1,48% tổng thu ngân sách nhà nước); tăng mạnh lên 27.020 tỷ đồng năm 2015 (chiếm 2,7% tổng thu ngân sách), và ước đạt 42.393 tỷ đồng năm 2016 (chiếm 4,08% tổng thu ngân sách).

Dù đạt được số thu lớn nhưng theo Bộ Tài chính, không phải tất cả phần thu thuế trên được dùng cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Thực tế, số chi cho bảo vệ môi trường vẫn thấp hơn số thu, thậm chí chỉ bằng 1/4 số thu (dù đạt mức quy định không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần theo tốc độ tăng trưởng kinh tế).

Cụ thể, tổng chi sự nghiệp môi trường năm 2010 là 6,2 nghìn tỷ đồng, năm 2011 chi 7,6 nghìn tỷ đồng, năm 2012 chi 9 nghìn tỷ đồng (thu 11.160 tỷ đồng), năm 2013 chi hơn 9,77 nghìn tỷ đồng, năm 2014 chi gần 10 nghìn tỷ đồng, năm 2015 chi 11.400 tỷ đồng (thu 27.020 tỷ đồng), năm 2016 chi 12.290 tỷ đồng.

Theo cách tính này, năm 2015, chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường chưa bằng một nửa số thu, năm 2016 chỉ hơn 1/4 số thu được. Cả giai đoạn 2011-2015, chi cho sự nghiệp môi trường đạt 47.452 tỷ đồng, chỉ cao hơn chút ít so với số ước thu thuế bảo vệ môi trường của cả năm 2016 (thu được 42.393 tỷ đồng).

Theo Tuổi Trẻ, Tiền Phong