Tạo cơ chế để người dân tham gia xây dựng pháp luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Vừa thiết kế vừa thi công” là có thật!
Đây là khẳng định của Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương tại buổi công bố kết quả nghiên cứu về “Thực trạng hoạt động phân tích chính sách trong quá trình xây dựng Luật ở Việt Nam” mới đây. Dẫn chứng cho khẳng định của mình, ông Cương cho biết, mặc dù nhóm nghiên cứu chỉ lựa chọn kiểm chứng Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nhưng kết quả cho thấy, có 6/9 chính sách không được đưa ra ngay từ đầu trong đề xuất xây dựng luật, có 3/9 chính sách chỉ mang tính chất rất khái quát hoặc mang tính chất là yêu cầu, định hướng mà không rõ được nội dung của chính sách cụ thể. Chẳng hạn, chính sách chuyển hoạt động quản lý về an toàn thực phẩm sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm (tại Luật An toàn thực phẩm), chính sách mở rộng khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng thông qua việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với một số loại tranh chấp tiêu dùng… ban đầu không xuất hiện trong đề xuất xây dựng Luật.
Các quy định về Báo cáo đánh giá tác động kinh tế – xã hội của văn bản (RIA) tại Luật Ban hành VBQPPL được kỳ vọng là công cụ kiểm soát chất lượng chính sách. Thế nhưng qua nghiên cứu cho thấy, báo cáo RIA sơ bộ được xây dựng khá sơ xài, chủ yếu mới dừng lại ở việc thuyết trình cho sự cần thiết xây dựng Dự thảo.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hầu hết các Bộ, ngành không chú ý đến khâu phân tích chính sách trong quá trình làm luật hoặc thường vừa làm luật vừa phân tích chính sách. “Ví dụ như Luật Thanh niên từ lúc khởi thảo đến khi thông qua mất tới 15 năm, thể hiện rõ khâu phân tích chính sách yếu như thế nào” – ông Dung nói.
Phải tạo được cơ chế để người dân tham gia
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn kết, LS Lê Đức Tiết phản ánh: Văn bản dưới luật bây giờ sai nhiều. Có những trường hợp cán bộ chuyên trách cũng không thể biết được văn bản nào đã hết hiệu lực, văn bản nào còn hiệu lực. Không ít trường hợp cơ quan hành pháp và tư pháp căn cứ vào các văn bản dưới luật trái Hiến pháp, trái luật để áp dụng.
Cũng theo LS Lê Đức Tiết, pháp luật tốt phải là pháp luật thể hiện được ý chí và nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, với một xã hội được vận hành trên nền tảng kinh tế thị trường, luôn tồn tại những nhóm lợi ích khác nhau thì sự tham gia của người dân, tổ chức xã hội vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật sẽ là giải pháp tốt cho việc nắm bắt, xác định đúng các nhóm lợi ích trong xã hội, để từ đó Nhà nước có được giải pháp thích hợp. Để làm điều đó, ngay trong quá trình hoạch định chính sách các nhà lập pháp phải tạo ra một cơ chế phù hợp để người dân, đặc biệt là các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản pháp luật có thể tham gia đóng góp ý kiến cho việc xây dựng chính sách.
“Phải có một quy trình xây dựng chính sách, pháp luật rõ ràng, minh bạch, ghi nhận các quyền và các điều kiện bảo đảm để người dân tham gia vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật. Trong đó để thu hút người dân phải có sự đối thoại chứ không phải là độc thoại” – ông Nguyễn Văn Cương kiến nghị.
Khanh LêNguồn: Báo Đại Đoàn Kết