Tham vấn ý kiến nhân dân là một công cụ đắc lực cho HĐND
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

– Lợi ích của tham vấn chưa được định lượng bằng những con số cụ thể. Qua thực tiễn thi hành tại địa phương, Phó chủ tịch có đánh giá như thế nào về những tác dụng của phương pháp này?

Lâu nay, HĐND chủ yếu dựa vào thông tin của các sở, ngành để ban hành và giám sát việc thực hiện các chính sách. Sau khi sử dụng công cụ tham vấn ý kiến nhân dân, đại biểu HĐND đã có thêm nhiều thông tin, cơ sở, lý lẽ để phản biện sâu với UBND về các chính sách. Bởi tại mỗi cuộc tham vấn đều có đại diện chính quyền địa phương để giải trình trước phát biểu của nhân dân, đại biểu HĐND. Đối thoại giữa người dân với cơ quan thực thi chính sách, pháp luật; giữa cơ quan quản lý với cơ quan dân cử đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho đại biểu HĐND. Do vậy, tại Kỳ họp của HĐND đã không còn tình trạng đại biểu phát biểu “Về cơ bản, tôi đồng ý với tờ trình của UBND…”. Nhờ tham vấn ý kiến nhân dân, cơ quan dân cử xóa bỏ tiền lệ vấn đề nào được UBND trình thì sẽ đưa vào chương trình Kỳ họp và được thông qua. Bởi qua quá trình tham vấn ý kiến nhân dân đã làm sáng rõ tính đúng đắn, cần thiết của vấn đề được UBND trình. Khi tuyệt đại đa số người dân không đồng tình với chính sách thì tại sao lại đưa vào chương trình Kỳ họp? Như vậy, tham vấn ý kiến nhân dân đã tạo một điểm tựa vững chắc cho cơ quan dân cử thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, góp phần nâng cao vị thế của HĐND trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách. Trước tác dụng thấy rõ của hoạt động này, HĐND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết về Quy chế hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân.

– Hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân mới đang được thí điểm thực hiện. Việc ban hành Quy chế thực hiện đã có tác dụng như thế nào với công tác này, thưa Phó chủ tịch?

Quy chế được ban hành nhằm tạo khung pháp lý cơ bản để điều chỉnh các hoạt động về tham vấn ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp. Qua đó, HĐND tỉnh cũng tạo cơ sở để hướng dẫn HĐND các cấp thực hiện công tác này bài bản, chuyên nghiệp và phù hợp với thực tiễn địa phương hơn. Bởi sẽ có một quy trình thống nhất, chặt chẽ từ chọn nội dung, công cụ; công tác phối hợp và trách nhiệm của các bên tham gia; công tác phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin; sử dụng kết quả từ tham vấn… Đặc biệt, Nghị quyết đã quy định hoạt động này phải thực hiện với những vấn đề liên quan mật thiết với nhân dân, bảo đảm quyền lợi của người dân. Điều này sẽ giúp việc xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh sát với thực tiễn cuộc sống và có tính khả thi cao. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được bày tỏ ý kiến và quan điểm về một vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ phải thực hiện; phát huy trí tuệ, nêu cao tính dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi tham gia vào công việc của Nhà nước…

Qua quá trình thực hiện thí điểm sử dụng công cụ tham vấn ý kiến nhân dân, chắc hẳn HĐND tỉnh cũng bước đầu rút ra một số kinh nghiệm…?

Trong nhiệm kỳ HĐND giai đoạn 2006 – 2011, hoạt động tham vấn đã giúp mối liên kết giữa đại biểu dân cử và nhân dân thêm khăng khít, chặt chẽ hơn. Do vậy, nhiều cử tri đã đề nghị cần thực hiện nhiều hơn nữa các đợt tham vấn để có thể chia sẻ với HĐND. Chia sẻ của cử tri đã cổ vũ Thường trực HĐND triển khai lồng ghép tham vấn ý kiến nhân dân vào các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề; tổ chức họp nhóm cử tri tại cộng đồng; khảo sát nhanh bằng phiếu hỏi… Điều này giúp việc thu thập ý kiến không khuôn cứng và tiếp nhận được nhiều nhất các đóng góp của nhân dân. Một kinh nghiệm khác là trước những vấn đề dân sinh bức xúc, thì cần nghe nhiều tiếng nói. Không chỉ nghe dân nói, mà phải nghe lãnh đạo chính quyền, các Sở, ban, ngành của tỉnh. Bởi chính quyền cũng là của HĐND, do HĐND thay mặt nhân dân bầu ra. Không thể có chính quyền mạnh nếu HĐND yếu và ngược lại. Do vậy, trước những vấn đề dân sinh bức xúc, cách xử lý phù hợp và hiệu quả hơn cả là HĐND cùng xắn tay và ngồi với UBND, các Sở, ban, ngành nhằm tìm ra nguyên nhân, kiến nghị giải pháp giải quyết. Thực tế, sau những cuộc làm việc ba mặt một lời, công khai trước nhân dân như vậy, UBND, các Sở, ban, ngành cũng thấy gần gũi hơn với HĐND, chia sẻ và hiểu HĐND hơn. Công khai các hoạt động trước nhân dân, uy tín của HĐND, UBND trước cử tri và nhân dân tỉnh ngày càng được nâng cao. Tất cả những nỗ lực đó đã tạo sức lôi cuốn cả guồng máy cùng vào cuộc, cùng tham gia xây dựng và phát triển tỉnh Đồng Tháp.

Những kết quả bước đầu mà việc sử dụng hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân mang lại dường như trái ngược với những băn khoăn về tính hiệu quả cũng như tính pháp lý của việc sử dụng công cụ này trong hoạt động của cơ quan dân cử…?

Tham vấn ý kiến nhân dân không phải là một hoạt động đơn giản, khó có thể thực hiện hình thức. Do vậy đã có người e ngại: tổ chức tham vấn tốn kém, nhất là khi ngân sách hoạt động của HĐND eo hẹp như hiện nay, lại phải bỏ thời gian, tốn công sức của nhiều người… Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, HĐND chuyên nghiệp, nhạy cảm và năng động hơn trước những tâm tư, vướng mắc và bức xúc mà cử tri tỉnh đặt ra. Người dân hiểu và gần gũi hơn với HĐND; thực thi Nghị quyết của HĐND một cách tự giác và thoải mái… Bởi người dân tham gia ngay từ đầu vào quá trình hoạch định chính sách, Nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương nên sau khi ban hành, người dân thực thi Nghị quyết một cách tự giác và thoải mái. Ngoài ra, tham vấn cũng góp phần tạo dựng lòng tin trong nhân dân, vì việc lựa chọn các nội dung để tham vấn xuất phát từ thực tiễn sinh động của cuộc sống và hướng đến đáp ứng mong muốn của người dân. Tham vấn không phải là phép màu, nhưng đã tạo cầu nối giữa cơ quan dân cử và cử tri. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân được phát biểu chính kiến về những vấn đề quốc sách, dân sinh để chính quyền trực tiếp lắng nghe rồi chắt lọc, tiếp thu. Đây là sự thể hiện sinh động của dân chủ.

– Thực tiễn đã cho thấy nhiều tác dụng của tham vấn ý kiến nhân dân. Như vậy đã đến lúc thực hiện thường xuyên công tác này, thưa Phó chủ tịch?

Hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân đã được xác định trong một số văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng mới chỉ là chỉ tên, đặt chỗ. Còn sự bắt buộc hay không bắt buộc, cách thức tổ chức, định hướng phát triển… chưa được quy định cụ thể. Song có thể thấy, thực hiện tham vấn là một vốn bốn lời. Bởi hoạt động này giúp mối quan hệ giữa đại biểu dân cử và cử tri khăng khít hơn; lôi cuốn cả guồng máy cùng vào cuộc. Đặc biệt, tham vấn ý kiến nhân dân đã trở thành một công cụ đắc lực cho cơ quan dân cử tại địa phương, giúp ý nguyện của nhân dân được truyền tải vào quyết đáp của HĐND. Như vậy, một cách làm có lợi cho người dân thì cần được thực hiện thường xuyên. HĐND tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị UBTVQH ban hành Nghị quyết hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2004. Việc bổ sung các quy định cụ thể hơn sẽ giúp tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động này. Khi đó hoạt động này sẽ không chỉ được thực hiện thường xuyên, mà sẽ có hiệu ứng rộng rãi trong toàn xã hội. HĐND tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử của VPQH chuẩn bị tiến hành đợt tập huấn cho những đại biểu HĐND trúng cử ngay sau khi cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

– Xin cám ơn Phó chủ tịch!

Phương Thủy thực hiện
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân