Thiếu cơ sở pháp lý áp thuế phần mềm nhập khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Áp thuế phần mềm NK

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc thiếu các quy định, quy trình kiểm soát hoạt động XNK phần mềm đã gây hảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước và định hướng phát triển của ngành. Do đó, việc đánh thuế đối với các sản phẩm phần mềm NK nhằm tạo sự cạnh tranh về giá cho các sản phẩm cùng loại, giúp DN sản xuất trong nước không bị lấn át bởi các sản phẩm nhập ngoại.

Song song với đề xuất chính sách thuế như là công cụ để bảo hộ sản xuất trong nước, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động mua sắm các sản phẩm CNTT (trong đó có phần mềm) đã sản xuất được trong nước. Đây cũng là cơ sở để việc áp dụng chính sách thuế phù hợp với thực tế và năng lực sản xuất trong nước theo hướng bảo hộ các sản phẩm phần mềm trong nước đã sản xuất được và áp thuế suất 0% đối với các phần mềm trong nước chưa sản xuất được.

Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp phần mềm, việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh phần mềm NK không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho NSNN mà còn góp phần bảo hộ được ngành công nghiệp phần mềm trong nước, bảo vệ an toàn thông tin, an toàn mạng lưới.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng trước tình hình hai Hiệp định Công nghệ thông tin (ITA) mở rộng và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong giai đoạn chuẩn bị các phiên đàm phán tiếp theo, sẽ gỡ bỏ thuế quan đối với sản phẩm CNTT nói chung mà cụ thể là sản phẩm phần mềm, cần xây dựng phương án quản lý, áp dụng mức thuế suất đối với sản phẩm phần mềm NK.

Thiếu cơ sở

Tuy nhiên, trước kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các đơn vị đều cho rằng, không có cơ sở để kiểm tra, giám sát và tính thuế NK mặt hàng phần mềm do không có định dạng vật lý. Đối với việc áp mã mặt hàng phần mềm, khi Việt Nam tham gia Công ước HS 2012 đã không có mã số cho mặt hàng phần mềm. Bản chất, phần mềm là dịch vụ (là hàng hoá vô hình), trong khi đó danh mục HS và AHTN định danh cho hàng hoá có định dạng vật lý. Do đó, trường hợp phải áp dụng thuế XNK đối với phần mềm thì Việt Nam phải mở mã tại chương 98 nhưng không có mã gắn kết với 97 chương. Điều này sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện dự án VNACCS.

Mặt khác, chương 98 cũng chỉ được quy định tại Biểu thuế NK ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư 157/2011/TT-BTC. Các biểu thuê ưu đãi đặc biệt không quy định chương 98. Nếu chỉ quy định riêng mã số và thuế suất cho sản phẩm phần mềm tại Biểu thuế NK ưu đãi thì sẽ phát sinh vướng mắc nếu các sản phẩm phần mềm NK đủ điều kiện áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt vì không có mã số và thuế suất ưu đãi đặc biệt để kê khai.

Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 205/2010/TT-BTC thì phí bản quyền là một loại phí phải cộng vào trị giá tính thuế. Như vậy, nếu xây dựng mã số HS riêng cho phần mềm thì việc cộng phí bản quyền vào giá trị hàng hoá như quy định tại Thông tư 205/2010/TT-BTC (trên cơ sở Điều 7 Hiệp định trị giá GATT) là không phù hợp.

Về đối tượng chịu thuế, khi xác định phần mềm XNK áp dụng chính sách thuế như một loại hàng hoá thì tất cả các loại dịch vụ cũng sẽ phải áp dụng chính sách thuế. Vì vậy, Luật thuế XNK phải bổ sung đối tượng chịu thuế là tất cả các loại dịch vụ. Đối với phần mềm NK dưới hình thức cho, biếu, tặng thì tổ chức, cá nhân cũng cần thực hiện tương tự như đối với hàng hoá quà biếu, tặng, theo đúng quy định tại Luật Thuế XNK- được xét miễn thuế NK: nếu phần mềm cho, tặng tổ chức Việt Nam có giá trị không vượt quá ba mươi triệu đồng; nếu phần mềm cho, tặng cá nhân Việt Nam có giá trị không vượt quá một triệu đồng.

Bên cạnh đó, đại diện Vụ Pháp chế- Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam đang tham gia một số Hiệp định CNTT, trong số đó ITA có nguyên tắc mà mọi thành viên đều phải thực hiện là từng bước giảm dần thuế suất thuế XNK đối với những sản phẩm được liệt kê trong hiệp định và tiến tới bỏ hẳn thuế suất thuế XNK. Do đó, việc xây dựng mã thuế suất đối với trường hợp này sẽ vi phạm cam kết quốc tế.

Trước những ý kiến đóng góp của đại diện các đơn vị tham gia, theo Tổng cục Hải quan, trong trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thu thuế NK đối với phần mềm cần nghiên cứu bổ sung các loại dịch vụ vào đối tượng chịu thuế trong Luật Thuế XNK; sửa đổi, bổ sung Thông tư 205/2010/TT-BTC về việc cộng phí bản quyền sử dụng phần mềm vào trị giá tính thuế của phương tiện chứa đựng phần mềm; cũng như bổ sung mã số HS của phần mềm vào Danh mục HS, Danh mục AHTN…

Tuy nhiên, trước mặt Bộ Thông tin và Truyền thông cần hệ thống những vấn đề vướng mắc liên quan đến phần mềm cần giải quyết qua đó đề ra phương án cụ thể. Việc áp mã và áp dụng chính sách thuế đối với sản phẩm phần mềm cũng cần lấy ý kiến của các hiệp hội, DN lớn để đảm bảo khi đưa chính sách vào thực hiện có tính khả thi.

Ngọc Linh
Nguồn: Báo Hải quan Online