Thống nhất ý chí và hành động để chiến thắng dịch bệnh 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa LÊ NAM khẳng định, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 là lời hiệu triệu, thống nhất ý chí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng hành động để chiến thắng dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết vẫn là giá trị trường tồn, là sức mạnh, chỗ dựa vững chắc trong cuộc chiến này.

Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh

Thưa ông, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 đã và đang lan tỏa mạnh mẽ đến mọi giai tầng trong xã hội. Ông có suy nghĩ như thế nào về Lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng ta? 

Tổng Bí thư đưa ra Lời kêu gọi trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã để lại những hậu quả nghiêm trọng, làm xáo trộn cuộc sống của cả đất nước, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang có diễn biến xấu, gây thiệt hại cho mỗi gia đình và cả xã hội. Lời kêu gọi ra đời trong bối cảnh cấp bách và khẩn trương hơn bao giờ hết, đòi hỏi phải huy động sức mạnh đại đoàn kết, sự hưởng ứng của mọi giai tầng trong xã hội.

Tổng Bí thư nhấn mạnh phải phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống dịch. Đây là lời hiệu triệu thống nhất ý chí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cùng hành động, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Lời kêu gọi đã có tác động ngay lập tức, trước hết là sự chỉ đạo, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự xung kích của lực lượng tuyến đầu chống dịch, và đặc biệt là có những cá nhân yêu nước đã sẵn sàng, xung phong đáp ứng nhanh lời hiệu triệu của Tổng Bí thư.

Đơn cử như, nhận được sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Chính phủ, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã nhanh chóng tổ chức ký kết chuyển giao độc quyền công nghệ vaccine Covid-19 giữa Tập đoàn Vingroup với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ), với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến lô vaccine đầu tiên sẽ xuất xưởng vào đầu năm 2022. Hay Tập đoàn Vingroup cũng đàm phán thành công mua 500.000 lọ thuốc kháng virus tặng Bộ Y tế dành cho bệnh nhân Covid-19. Rõ ràng, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư đã lan tỏa và đi vào cuộc sống.

– Như ông chia sẻ, càng trong gian khó, Nhân dân ta càng đoàn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau?

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”. Hơn 500 ngày chống dịch Covid-19 đã cho thấy, càng trong gian khó, con người càng yêu thương nhau hơn, có sự liên kết, kết dính bền chặt hơn, nhờ đó sức mạnh chỉ nhân lên, chứ không giảm sút.

Chúng ta đã chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động giữa đại dịch Covid-19, ngay tại vùng dịch, đã xuất hiện những cửa hàng 0 đồng, những chuyến xe nghĩa tình chở lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân, hay hình ảnh người phụ nữ giản dị, chân đi đôi dép lê cũ mòn nhưng đã trao tặng tiền hỗ trợ người lao động trên chặng đường trở về quê hương… Đó là sự chung tay, tự giác của mọi người dân, kể cả những người không dư dả vật chất, thậm chí họ cũng rất nghèo nhưng vẫn sẵn sàng làm được bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu để hỗ trợ đồng bào trong vùng dịch bệnh.

Tình người ấy thiêng liêng và đáng quý vô cùng! Chúng ta từng lo sợ trong bối cảnh kinh tế thị trường, người ta lo làm kinh tế mà suy giảm đi giá trị nhân văn. Nhưng truyền thống “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” của dân tộc ta vẫn luôn hiện hữu, sâu nặng, là sức mạnh trường tồn. Đây là chỗ dựa vững chắc để chiến thắng đại dịch.

Dựa vào Nhân dân

– Thưa ông, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư khen các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19?

– Đây là sự quan tâm kịp thời đến những đối tượng rất đặc biệt, lực lượng xung kích ở đầu chiến tuyến. Họ là những người đang phải chấp nhận gian lao, vất vả, hy sinh. Tôi theo dõi, không ít những bác sỹ, thầy thuốc ngày đêm không ngừng, nghỉ để suy nghĩ giải pháp, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hay Thủ đô Hà Nội hiện cũng đang là vùng dịch nhưng vẫn tốc hành chi viện cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh. Họ là những tấm gương quên mình vì công việc, là những người vất vả nhất, phải hy sinh, chịu đựng và đối mặt với nguy hiểm. Việc Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen ngợi, động viên là sự khích lệ, ghi nhận và biết ơn lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19. Bức thư là món quà tinh thần cần thiết, giúp lực lượng tuyến đầu có thêm động lực để vượt qua gian khó.

– Cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 không chỉ của riêng chính quyền và lực lượng y tế. Để đi đến thành công rất cần sự góp sức từ mỗi người dân mà trước hết là phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, thưa ông?          

– Cuộc chiến này phải dựa vào sức mạnh của Nhân dân. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, vừa qua, chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều người dân đã tham gia đóng góp, tạo nguồn lực tài chính cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, nhiều nhà khoa học quên mình, ngày đêm nghiên cứu, suy nghĩ giải pháp giúp đất nước chống dịch… Hơn lúc nào hết, người dân, đặc biệt là người dân tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải nêu cao ý thức chấp hành, tuân thủ mệnh lệnh. Mỗi người dân phải tự giác, thực hiện nghiêm 5K. Nếu người dân không ủng hộ, vẫn đưa nguồn lây từ nơi khác về thì rất khó để khống chế, truy vết và ngăn chặn sự bùng phát trong cộng đồng. Sự ủng hộ của người dân là nhân tố quan trọng và quyết định đến thắng lợi của công cuộc phòng, chống dịch Covid-19.

– Phòng, chống dịch Covid-19 là cuộc chiến chưa có tiền lệ, và cũng khó tránh khỏi những lúng túng. Tuy nhiên, trong quá trình chống dịch, vẫn có những bình luận ác ý, chê trách, thay vì đóng góp ý kiến mang tính xây dựng thưa ông?

Tôi đặc biệt cảm kích với phát biểu của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, đó là: “Chúng tôi xin Nhân dân lượng thứ”. Đó là phát biểu của một lãnh đạo có tâm, có tầm, thể hiện rõ sự nhìn nhận và đánh giá cao vai trò của Nhân dân. Đúng là trong chỉ đạo, có khó khăn là chúng ta chưa có kinh nghiệm, mà dịch bệnh thì không chờ đợi. Có những việc chỉ chậm trễ một chút thôi đã để lại hậu quả không thể đong đếm được. Trách nhiệm và áp lực đối với người đứng đầu là rất nặng nề, khi dịch thay đổi, biến chuyển từ trạng thái này, sang trạng thái khác, đòi hỏi phải luôn chủ động, linh hoạt để có giải pháp kịp thời.

Vừa qua, Thủ tướng đã có Công điện vận động, yêu cầu người dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách “ai ở đâu, ở đấy”. Tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Trước đó, hình ảnh người dân hồi hương bằng xe máy trên đường là một hình ảnh rất thương tâm, thậm chí có nơi đã phải dùng xe công an dẫn đường, đưa người lao động về quê.

Có thể thấy rằng, các địa phương cũng muốn đón dân về, “chia lửa” cùng TP. Hồ Chí Minh, nhưng cách nhìn nhận này chưa sát, đúng, có thể làm bùng phát dịch trên cả nước. Có những trường hợp nếu không kịp thời cách ly, chữa trị sẽ lây bệnh cho cộng đồng, làm diễn biến dịch bệnh khó khăn, phức tạp hơn. Theo đó, mỗi người dân hãy yên tâm chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vững tin vào hệ thống chính trị, khi trên dưới một lòng, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.

– Xin cảm ơn ông!