Thông tư 15 có ban hành “giấy phép con”?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Như Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia đã phản ánh, một số ý kiến doanh nghiệp và các chuyên gia cho rằng Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu đã ban hành thêm điều kiện kinh doanh, và do đó, trái với quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 (từ 1/7/2015, các bộ không được ban hành điều kiện kinh doanh).

Cũng trong Thông tư 15 có một quy định được đánh giá là can thiệp vào hoạt động tự chủ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là quy định, khi cột đo xăng dầu bị hỏng, doanh nghiệp phải đề nghị bằng văn bản tới đơn vị cung cấp cột đo; trong vòng 3 ngày, đơn vị đó phải đáp ứng đề nghị sửa chữa. Doanh nghiệp chỉ được chọn đơn vị sửa chữa khác nếu đơn vị cung cấp cột đo đã giải thể hoặc đơn vị đó có văn bản từ chối thực hiện với lý do chính đáng gửi tới doanh nghiệp và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (để báo cáo).

Căn cứ của Bộ

Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

(Khoản 2 điều 4 Luật Đầu tư 2014)

Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng và ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường cũng thuộc Tổng cục trên, đã cho biết những căn cứ để Bộ ban hành Thông tư này.

Theo đó, Luật Đầu tư 2014 quy định kinh doanh xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã giao nhiệm vụ Bộ KHCN chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kinh doanh xăng dầu. Khoản 3 Điều 12 Nghị định 83 cũng quy định “thương nhân đầu mối thực hiện pha chế xăng dầu phải đăng ký cơ sở pha chế theo hướng dẫn của Bộ KHCN”. 

Đây là cơ sở pháp lý để Bộ KHCN ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN, trong đó có hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu. Theo ông Linh, như vậy, Thông tư 15 không ban hành điều kiện kinh doanh, mà chỉ ban hành trình tự, thủ tục.

Còn theo ông Nguyễn Hùng Điệp, trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ KHCN cũng đã đóng góp ý kiến. Ông khẳng định, khi xây dựng Thông tư 15, cơ quan soạn thảo đã ý thức được việc cần tuân thủ Luật Đầu tư một cách triệt để nhất để không ban hành điều kiện kinh doanh sai quy định.

Không hạn chế quyền chủ động của doanh nghiệp

Trả lời về quy định sửa chữa cột đo xăng dầu bị hỏng, ông Nguyễn Hùng Điệp cho biết cột đo xăng dầu có các bộ phận chức năng mà theo quy định phải được niêm phong, kẹp chì bởi tổ chức kiểm định để ngăn ngừa việc thay đổi, gây sai lệch kết quả đo. Quy định nói trên chỉ áp dụng với các bộ phận này, còn với các bộ phận khác thì doanh nghiệp được toàn quyền sửa chữa.

“Trước đây, khi chưa có quy định cụ thể về sửa chữa, nhiều cơ sở đã lợi dụng danh nghĩa việc sửa chữa để cố tình phá bỏ niêm phong, kẹp chì, gắn IC có chương trình đúng-sai, bán thiếu cho khách hàng khi chạy chương trình sai và nhanh chóng chuyển về chương trình đúng khi bị kiểm tra.

Quy định này nhằm tách bạch hoạt động sửa chữa bình thường với hành vi vi phạm của một số tổ chức, cá nhân, để sau này khi xảy ra vấn đề gì thì các cơ quan thanh tra, kiểm tra sẽ biết được lỗi của ai, do bên kiểm định hay của doanh nghiệp lợi dụng việc sửa chữa để phá bỏ niêm phong, kẹp chì”, ông Điệp nói.

Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Hùng Điệp, việc phá bỏ niêm phong, kẹp chì mà không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật theo Nghị định 97/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. “Tôi nghĩ rằng đây là một biện pháp quản lý, không hạn chế quyền chủ động của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh”, ông Điệp cho biết.

Phóng viên nhắc lại ý kiến chuyên gia cho rằng đây là quyền tự chủ của doanh nghiệp, là quan hệ hợp đồng giữa các doanh nghiệp. Nên chăng quy định doanh nghiệp được lựa chọn giữa những đơn vị sửa chữa đủ điều kiện và cơ quan quản lý sẽ xử phạt nghiêm khắc những đối tượng phá bỏ niêm phong kẹp chì để gian lận? Bởi việc lựa chọn một đơn vị sửa chữa khác không đồng nghĩa với việc phá bỏ niêm phong kẹp chì.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hùng Điệp cho biết cột đo có liên quan trực tiếp đến mặt hàng xăng dầu rất nhạy cảm. Do đó, các nước đều kiểm soát chặt chẽ từ lúc sản xuất, nhập khẩu. Hiện, Việt Nam có khoảng 20 tổ chức nhập khẩu, sản xuất cột đo xăng dầu và chỉ những đơn vị này mới nắm được các đặc tính kỹ thuật của cột đo. “Nên khi xảy ra sự cố kỹ thuật thì chính đơn vị cung cấp cột đo sửa chữa là tốt nhất, chỉ trong trường hợp đơn vị đó đã giải thể hoặc từ chối thực hiện với lý do chính đáng, thì cơ sở kinh doanh xăng dầu mới được tìm đơn vị nắm được công nghệ tương tự”, ông Điệp giải thích.

Vướng định nghĩa “điều kiện kinh doanh”

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, hiện đang có vướng mắc về vấn đề thế nào điều kiện kinh doanh và thế nào là yêu cầu quản lý nhà nước với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ hàng hóa.

Ông Linh lấy ví dụ, Luật Đầu tư 2014 không có quy định nào về sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhựa, tức là doanh nghiệp được hòa toàn tự do sản xuất kinh doanh, Nhưng nếu doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em bằng nhựa, như vừa qua trong dịp Tết Trung thu có nhiều ý kiến phản ánh về các loại đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em, thì vai trò của cơ quan quản lý là thế nào?

“Việt Nam đã có các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đồ chơi trẻ em, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về tiêu chuẩn hóa lý, hóa chất độc hại, các chất cấm, hay chặt chẽ hơn thì phải thực hiện chứng nhận, công bố hợp quy. Vậy thì đó có phải là điều kiện kinh doanh không?”, ông Linh đặt vấn đề.

“Hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau. Tôi cho rằng không chỉ Bộ KHCN mà các Bộ khác cũng có vướng mắc như vậy. Có lẽ trong thời gian tới cần làm rõ hơn vấn đề này để việc thực thi được nhất quán”, ông Linh đưa đề xuất.

Thế nào là điều kiện kinh doanh?

Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (chuẩn bị được ban hành) đã chỉ rõ các hình thức của điều kiện kinh doanh.

Theo đó, điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng dưới một hoặc một số hình thức sau đây:

a) Giấy phép;

b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện;

c) Chứng chỉ hành nghề;

d) Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;

đ) Văn bản xác nhận;

e) Các hình thức văn bản khác không được quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản này;

g) Các yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e Khoản này.

Hà Chính

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ