Thủ tục đăng ký, thẩm tra dự án đầu tư chưa hợp lý, rõ ràng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thủ tục đăng ký và thẩm tra dự án đầu tư được quy định từ các Điều 45 – 49 Luật Đầu tư và được hướng dẫn tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP. Theo đó, việc đăng ký, thẩm tra dự án đầu tư là công cụ để quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư và việc phân chia 2 thủ tục này dựa vào quy mô và lĩnh vực đầu tư của hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương thì các quy định này không cần thiết.

Chính vì quan điểm việc đăng ký, thẩm tra dự án đầu tư được sử dụng là một công cụ để thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư, do đó nó chỉ được coi là cần thiết nếu đó là cách duy nhất, hoặc là cách đơn giản nhất để có thể đạt được mục tiêu quản lý nhà nước về đầu tư. Nói cách khác, thủ tục này được coi là cần thiết chỉ khi đồng thời đáp ứng các điều kiện: đạt mục tiêu quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư và đây là cách duy nhất hoặc là cách thức đơn giản nhất, ít tốn kém nhất (trong trường hợp có nhiều cách thức) để đạt các mục tiêu nói trên. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thi hành Luật Đầu tư thì mục tiêu của việc đăng ký, thẩm tra dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) chưa được xác định một cách rõ ràng và thống nhất, kể cả trong văn bản pháp luật và trên thực tế.

Thủ tục về đăng ký/thẩm tra đầu tư được áp dụng đối với hầu hết hoạt động đầu tư (trừ dự án < 15 tỷ của nhà đầu tư trong nước). Như vậy, kể từ khi Luật Đầu tư có hiệu lực, thì đây là một thủ tục mới đối với nhà đầu tư trong nước. Trước đây, nhà đầu tư trong nước không phải lập và đăng ký dự án đầu tư, trừ trường hợp làm thủ tục về đất đai và xây dựng, môi trường. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, họ được cấp Giấy phép đầu tư theo từng dự án đầu tư;â giấy này thay thế các thủ tục khác và có thể tiến hành triển khai dự án ngay sau khi có giấy phép đầu tư. Để triển khai thực hiện một hoạt động hay dự án đầu tư, nhà đầu tư có thể sẽ phải thực hiện hàng loạt các thủ tục có liên quan. Thực tế đã cho thấy, có sự trùng lặp rất lớn giữa thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư và thủ tục về đất đai, xây dựng công trình và bảo vệ môi trường. Sự trùng lặp và không tương thích giữa các thủ tục này thể hiện trên 7 nội dung, đặc biệt là trùng lặp lớn về hồ sơ và tiêu chí giải quyết thủ tục. Chẳng hạn, căn cứ cấp GCNĐT và căn cứ giao đất, cho thuê đất đều có tiêu chí là: phù hợp quy hoạch sử dụng đất; phù hợp quy hoạch xây dựng; nhu cầu sử dụng đất. Hoặc, căn cứ cấp GCNĐT và thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình đều quy định phải thẩm tra giải pháp về môi trường. Điều này rõ ràng là trùng lặp và chồng chéo với thẩm tra Báo cáo thẩm định môi trường hoặc Đăng ký cam kết bảo vệ môi trường được thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường và quy định hướng dẫn thi hành.

Một thủ tục hành chính chỉ được coi là đầy đủ khi quy định rõ: mục đích, đối tượng áp dụng, phạm vi áp dụng, hồ sơ, tiêu chí giải quyết, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trình tự thủ tục và kết quả. Tuy nhiên, Luật Đầu tư và hướng dẫn thi hành không quy định tiêu chí là cơ sở để cấp hoặc từ chối cấp GCNĐT. Mặc dù Luật có quy định nội dung thẩm tra cấp GCNĐT, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc quy định các nội dung mà cơ quan nhà nước sẽ xem xét khi tiến hành thẩm tra, chứ chưa phải là tiêu chí để căn cứ vào đó cơ quan nhà nước liên quan quyết định là có cấp hoặc từ chối cấp GCNĐT. Ví dụ, khi thẩm tra nội dung về tiến độ thực hiện dự án thì tiêu chí nào để căn cứ vào đó biết được rằng tiến độ như đề xuất của nhà đầu tư là được chấp thuận hoặc phải thay đổi, và nếu có thì thay đổi như thế nào.

Luật cũng chưa quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của quan có thẩm quyền giải quyết liên quan đến việc đăng ký đầu tư và thẩm tra dự án đầu tư. Theo quy định của Luật, cơ quan nhận hồ sơ và cơ quan có thẩm quyền cấp GCNĐT là Sở Kế hoạch – Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp. Khác với việc đăng ký cấp GCNĐ: ngoài các cơ quan có thẩm quyền nhận hồ sơ và cấp GCNĐT còn có nhiều cơ quan khác, bao gồm cả Thủ tướng Chính phủ, các bộ và sở, tuy nhiên, vai trò, mức độ và cách thức tham gia của các cơ quan này không rõ ràng. Cụ thể: không rõ trường hợp nào thì ý kiến bộ, sở là bắt buộc? Lấy ý kiến của bộ nào, sở nào, số lượng là bao nhiêu? Hồ sơ xin ý kiến bao gồm những tài liệu gì? Giá trị pháp lý của ý kiến trả lời thế nào? Giải quyết thế nào nếu có sự khác nhau về ý kiến trả lời, hoặc ý kiến khác với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư?

Từ thực tiễn này, thiết nghĩ cần xác định rõ cơ quan cấp GCNĐT là cơ quan quyết định cuối cùng về việc cấp hay không cấp GCNĐT. Ý kiến của các cơ quan khác chỉ mang tính chất tham khảo. Việc quá thời hạn gửi ý kiến góp ý của các cơ quan có liên quan được coi là ý kiến đồng ý; đồng thời, lựa chọn dự án đầu tư tốt nhất cho một diện tích đất được sử dụng. Nói cách khác – nâng cao hiệu quả sử dụng đất có lợi nhất cho phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, cần hợp nhất thủ tục đầu tư với thủ tục về giao đất, cho thuê đất; quy định rõ và thống nhất tiêu chí xem xét dự án đầu tư với tiêu chí giao đất, cho thuê đất.

Phạm Hồng Hải
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân