Thực sự là diễn đàn dân chủ và minh bạch 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng BÙI THANH TÙNG chia sẻ, ông ấn tượng với rất nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, trẻ, mới tham gia Quốc hội lần đầu của Khóa XIV. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các đại biểu này đã rất mạnh dạn, chủ động “đăng đàn” thảo luận, thể hiện bản lĩnh, chính kiến và phát huy cao vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và Nhân dân. Điều này cũng cho thấy Quốc hội thực sự là một diễn đàn dân chủ, trách nhiệm và minh bạch.
<img alt=" Nguồn:quochoi.vn" src="” width=”850px” />
Nguồn:quochoi.vn

Ấn tượng với nhiều đại biểu trẻ, kiêm nhiệm

– Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV?

– Nhiệm kỳ 2016 – 2021 là lần đầu tiên tôi tham gia Quốc hội, nhưng trước đó đã có 3 khóa tham gia HĐND TP Hải Phòng, trong đó có gần một nhiệm kỳ là Ủy viên Thường trực HĐND thành phố nên có điều kiện theo dõi, tham gia một số hoạt động của Quốc hội các khóa trước. Với Quốc hội Khóa XIV, tôi nhận thấy, các đại biểu Quốc hội đều có trách nhiệm rất cao trong việc thực hiện lời hứa của mình với cử tri khi ứng cử. Quốc hội luôn là diễn đàn dân chủ, minh bạch khi bàn thảo, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thẳng thắn, trách nhiệm khi thảo luận, cho ý kiến, xem xét, thông qua các dự án luật và trong triển khai các hoạt động giám sát, đặc biệt là chất vấn, trả lời chất vấn. Tôi cảm nhận không khí trên nghị trường ngày càng dân chủ hơn, các đại biểu hoạt động ngày càng trách nhiệm hơn.

Ông vừa đề cập đến tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Nhìn từ góc độ các đại biểu, theo ông, tính dân chủ đó được thể hiện như thế nào? 

– Hoạt động của các đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày càng được nâng cao về chất lượng, tính chuyên nghiệp, khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đã tham gia Quốc hội trên một nhiệm kỳ, có kinh nghiệm nghị trường, thì trong nhiệm kỳ Khóa XIV, tôi ấn tượng với rất nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, tham gia lần đầu, trong đó có những đại biểu trẻ từ các địa phương nhưng ngay từ các kỳ họp đầu nhiệm kỳ đã rất mạnh dạn, chủ động “đăng đàn” thảo luận, thể hiện bản lĩnh, chính kiến, thẳng thắn, phát huy cao trách nhiệm của mình đối với những vấn đề quan trọng hay với những dự án luật khó; thẳng thắn chất vấn các thành viên Chính phủ hay các “tư lệnh” ngành về những vấn đề rất nóng, phức tạp, nhạy cảm; sẵn sàng đeo bám đến cùng để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và hướng, biện pháp giải quyết những vấn đề cử tri và xã hội quan tâm. Đó chính là thể hiện tính dân chủ, trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội và Quốc hội nhiệm kỳ này. 

Quyết liệt “đeo bám”

– Theo ông, để làm tốt nhất vai trò của đại biểu Quốc hội thì cần có những yếu tố nào?

– Một trong những nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội là phải chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, những vấn đề thực tiễn cuộc sống đang đặt ra đến nghị trường, để từ đó Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét, ban hành hành lang pháp lý cũng như các chính sách, giải pháp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Để làm được điều đó, đại biểu Quốc hội phải bản lĩnh và dám nói những vấn đề còn bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn cuộc sống nhưng chưa có hành lang pháp lý và chính sách phù hợp để tháo gỡ, không sợ “đụng chạm” hay ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân hay địa phương. Bên cạnh đó, cần quyết liệt “đeo bám” đến cùng để những kiến nghị của mình nêu ra phải được các cơ quan chức năng tiếp thu, có giải pháp xử lý, tháo gỡ. Đương nhiên, để có được sức thuyết phục thì cần chọn trúng vấn đề và nêu đúng thực tế khách quan của vấn đề đó, với một thái độ cầu thị và xây dựng, với những dẫn chứng rất cụ thể từ thực tiễn (thông qua các hoạt động giám sát; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp và cơ sở, cũng như từ kiến thức chuyên môn mà mình được đào tạo).   

– Trong quá trình hoạt động nghị trường, kỷ niệm nào là sâu sắc nhất đối với ông?

– Bên cạnh việc tham gia tích cực phát biểu thảo luận, tranh luận và chất vấn tại nghị trường, hoạt động giám sát luôn thu hút và tạo cho tôi cảm hứng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, tôi đã trực tiếp chủ trì 17 chuyên đề giám sát, khảo sát với 68 cuộc làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương; tham gia 67 cuộc giám sát, khảo sát của các cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trên khắp mọi miền của đất nước. Ngoài những đóng góp về kiến thức pháp luật, chuyên môn của cá nhân vào kết quả của các đợt giám sát, thông qua hoạt động này, bản thân tôi đã được tiếp cận với thực tế rất phong phú của đời sống kinh tế – xã hội và cuộc sống của người dân, được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhiều cảnh quan thiên nhiên, sự vĩ đại của nhiều dự án, công trình do chính người Việt Nam chúng ta đã xây dựng được trong thời gian qua và càng thấy rõ hơn tầm vóc, vị thế, vai trò của đất nước đối với bạn bè năm châu.

– Khép lại nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, ông có thấy tiếc nuối điều gì?

– Có chứ. Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đã làm được rất nhiều việc và tôi rất vinh dự được đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào những thành công của nhiệm kỳ này. Nhưng điều khiến tôi trăn trở và tiếc nuối là một số dự án luật rất quan trọng, đã được đưa vào chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ lại vẫn chưa thực hiện được mà phải chuyển lại cho Quốc hội nhiệm kỳ sau. Ví dụ như việc sửa đổi Luật Đất đai, dù Quốc hội quyết định lùi thời gian sửa đổi đạo luật quan trọng này sang nhiệm kỳ sau là hợp lý để kịp thời thể chế hóa các quan điểm mới của Đảng sau Đại hội lần thứ XIII và có thời gian để nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, thấu đáo hơn các nội dung cần sửa đổi cho phù hợp với đòi hỏi của thực tế.

Tôi mong rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ là ưu tiên của Quốc hội Khóa XV ngay từ đầu nhiệm kỳ bởi thực tế giám sát tại địa phương, việc giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân cho thấy trên 80% nội dung các đơn thư đề cập đến những vướng mắc về các thủ tục liên quan đến đất đai, trong đó nhiều nội dung không thể hoặc rất khó tháo gỡ do những bất cập về chính sách pháp luật về đất đai hiện hành. Nếu không sớm sửa đổi Luật Đất đai thì chắc chắn sẽ còn rất nhiều những vướng mắc, bất cập liên quan đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở các địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó, một số kiến nghị xác đáng của cử tri đã được các đại biểu Quốc hội phản ánh nhiều lần trên diễn đàn Quốc hội còn chưa được các cơ quan chức năng xem xét giải quyết kịp thời, hoặc giải quyết chưa thấu đáo, trong khi một nhiệm kỳ Quốc hội cũng không dài, không đủ quỹ thời gian để giám sát hết việc giải quyết những vấn đề đã được nêu ra. Hy vọng rằng, những vấn đề như vậy sẽ được giải quyết rốt ráo hơn trong thời gian tới. 

– Xin cảm ơn ông!