Tâm huyết và trong sáng thì không có gì e ngại 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế ĐỖ VĂN SINH cho rằng, mỗi bộ, ngành thường được giao quản lý một hoặc một số lĩnh vực nên thường đề xuất những chính sách, quy định có lợi hơn cho mình. Khi thảo luận về dự án luật, nghị quyết, đại biểu Quốc hội cần có cái nhìn tổng quát, cân nhắc lợi ích chung, bảo đảm sự đồng bộ trong thực thi, khó tránh có ý kiến va chạm với cơ quan chức năng. Nhưng nếu đại biểu phát biểu với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và trong sáng thì không có gì phải e ngại.

Cần hành động quyết liệt hơn nữa

– Trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế – xã hội, phát triển vùng miền núi đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Với ông, khi nhìn lại nhiệm kỳ này, ông sẽ nhớ điều gì?

– Quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia là một trong ba chức năng, thẩm quyền của Quốc hội. Thực hiện thẩm quyền này trong nhiệm kỳ Khóa XIV, điều để lại ấn tượng với tôi là sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ. Chính phủ đã có những đề xuất, đề nghị gấp gáp, song cơ quan được giao chủ trì thẩm tra là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, thậm chí Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp ngoài giờ để thẩm tra, thảo luận kỹ càng hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, quyết định kịp thời. Với sự đồng hành của Quốc hội trong thời gian qua, các dự án quan trọng của quốc gia đều được triển khai tương đối thuận lợi, đạt được những kết quả nhất định.

Ví dụ như, liên quan đến dự án đầu tư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Quốc hội đã linh hoạt đồng ý tách thành một dự án độc lập, hiện đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 để bàn giao cho chủ đầu tư. Hay như, với dự án triển khai xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Quốc hội cũng kịp thời có nhiều quyết đáp quan trọng để thúc đẩy triển khai dự án hạ tầng giao thông quan trọng này, nhất là cho phép chuyển sang đầu tư công với 5 dự án ban đầu được xác định thực hiện bằng hình thức đầu tư kết hợp công – tư (PPP). 

Tuy nhiên, dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư từ nhiệm kỳ Khóa XIII và dự án cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được Quốc hội Khóa XIV quyết định đầu nhiệm kỳ. Nhưng đến nay khối lượng công việc phải triển khai hiện còn nhiều. Trong thời gian tới, Chính phủ cần triển khai quyết liệt, thể hiện bằng những hành động cụ thể, công việc hiện vẫn chậm.

– Trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quốc hội cũng vào cuộc tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Ông đánh giá như thế nào về những quyết đáp của Quốc hội trong lĩnh vực này?

– Ảnh hưởng của dịch Covid-19 là bất khả kháng không chỉ với nước ta, mà với nhiều quốc gia trên thế giới. Chính phủ đã có những hành động kịp thời, quyết liệt trong thời gian qua để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định một số nghị quyết liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những nghị quyết đó nhìn chung đều đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn.

Tôi mong muốn, nghị quyết được Quốc hội quyết định cần nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến đúng đối tượng, thực sự khắc phục hậu quả, có tính bền vững, góp phần khôi phục nền kinh tế hiệu quả. Chính phủ cần tổng kết việc triển khai các chính sách hỗ trợ vừa qua; xác định những giải pháp, chính sách mới để hỗ trợ đối tượng chịu thiệt hại, giúp duy trì sản xuất, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Qua đó, tránh tình trạng có chính sách, có tiền nhưng doanh nghiệp không được hỗ trợ kịp thời (như với gói hỗ trợ 16 nghìn tỷ đồng).

Đánh giá công tâm và chính xác

– Là đại biểu Quốc hội lần đầu ứng cử và cũng chuyển từ cơ quan tổ chức thi hành pháp luật sang, ông có những ấn tượng nào khi tiến hành các nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội chuyên trách?

– Từ một cơ quan tổ chức thực hiện pháp luật chuyển sang thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội chuyên trách có những điều nằm trong tưởng tượng của tôi nhưng cũng có không ít điều mới mẻ. Ví dụ như, bên cơ quan tổ chức thực hiện pháp luật thì làm quyết liệt, nhanh chóng, thậm chí khi cơ sở phát sinh vấn đề, cơ quan quản lý cấp trên có thể ra văn bản chỉ đạo thực hiện ngay. Còn Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số, cần được đa số đại biểu tán thành thì ý tưởng, đề xuất mới trở thành luật, nghị quyết của Quốc hội. Một dự án luật, nghị quyết để đạt được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội không dễ, vì các đại biểu Quốc hội có quyền ngang nhau, mỗi đại biểu là một lá phiếu. Đặc thù này đòi hỏi không chỉ cơ quan trình mà cơ quan được giao chủ trì tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội cũng phải đưa ra luận điểm thuyết phục, có cơ sở khoa học.

– Trong 5 năm qua, ông đã tạo ấn tượng với cử tri về một đại biểu Quốc hội phát biểu thẳng thắn, tranh luận quyết liệt… Có khi nào ông e ngại “va chạm” không?

– Phát biểu của đại biểu Quốc hội có va chạm với cơ quan chức năng là tất yếu. Bởi, đối tượng chịu sự quản lý bao giờ cũng muốn giảm trách nhiệm, tăng quyền lợi, trong khi Quốc hội là cơ quan lập pháp đòi hỏi phải có tư duy, cách nhìn tổng quát, xác lập các chính sách, pháp luật phải bảo đảm quyền lợi đi cùng với trách nhiệm. Ngoài ra, mỗi bộ ngành quản lý một hoặc một số lĩnh vực, chuyên ngành nên thường đưa ra đề xuất có lợi cho mình hơn. Khi thảo luận về dự án luật, nghị quyết, các đại biểu Quốc hội phải đánh giá tổng quát, cân nhắc lợi ích chung, bảo đảm sự đồng bộ trong thực hiện, nên khó tránh va chạm với cơ quan chức năng. Nhưng, tôi cho rằng, đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến một cách trách nhiệm, tâm huyết và trong sáng thì không có gì phải e ngại.

– Sau 5 năm làm đại biểu của dân, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của mình?

– Với tôi, các ý kiến, kiến nghị của cử tri là một kênh thông tin hết sức quan trọng. Bởi, những vấn đề cử tri bức xúc chủ yếu do quá trình triển khai thực hiện chưa đến nơi, đến chốn, hoặc thiếu quy định pháp luật điều chỉnh. Nếu do chưa thực thi đến nơi đến chốn, tôi sẽ kiến nghị trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Nếu do quy định pháp luật, tôi sẽ tiếp thu, nghiên cứu, đưa đề xuất với cơ quan liên quan. Bên cạnh những cử tri cụ thể, khi đi tiếp xúc cử tri ở địa bàn mình ứng cử, tôi chú ý gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của các tổ chức, đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương để có thêm thông tin về việc thực thi chính sách, pháp luật.

Ngoài ra, tôi quan tâm tiếp nhận ý kiến từ các hiệp hội liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Đề xuất, kiến nghị từ các hiệp hội rất quan trọng, vì được tổng hợp từ hàng nghìn kiến nghị của đơn vị thành viên, thường rất hữu ích cho quá trình đánh giá chính sách, pháp luật. Tôi cũng tích cực tương tác với phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí, được họ cung cấp nhiều thông tin hữu ích. Song, họ cũng yêu cầu tôi đưa ra quan điểm về vấn đề nổi lên trong thực tế, buộc bản thân phải đào sâu suy nghĩ. Đó là nhóm “cử tri” đặc biệt của tôi.

– Xin cảm ơn ông!