Tòa án có quyền điều tra độc lập
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội từ kỳ họp thứ 7, UBTV Quốc hội cho biết, đã tiến hành chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung vào dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét. Trong đó, nội dung Điều 2 dự thảo về tòa án thực hiện quyền tư pháp được góp ý nhiều nhất.

Bác bỏ các quyết định trái luật

Đồng tình với nội dung Điều 2 dự thảo về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tòa án, đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) góp ý, tòa án phải được giao nhiệm vụ và có quyền kiểm soát tư pháp. Cụ thể, tòa án phải có quyền tham gia điều tra, kiểm tra toàn bộ quá trình điều tra, xét xử để bảo đảm tính minh bạch, khách quan, tuyên đúng người đúng tội. 
“Nếu có cá nhân, tổ chức thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm và qua kiểm tra hồ sơ, tòa án phát hiện vi phạm tố tụng cả cơ quan, người tiến hành tố tụng trái pháp luật thì tòa có quyền xem xét hành vi đó”, ông Trường nói, đề xuất tòa án có quyền bác bỏ các biện pháp ngăn chặn, tạm giữ, điều tra trái pháp luật và thay bằng các biện pháp khác theo luật định. Hoặc có quyền kiểm tra các căn cứ khởi tố của cơ quan điều tra khi khởi tố bị can.
Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), chỉ rõ thực tế xét xử các vụ án hình sự, đã có nhiều quyết định điều tra, truy tố có vi phạm nhưng hiện chưa có cơ quan nào được giao thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của các quyết định này. Về quy định “tòa án có quyền yêu cầu trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung…”, ông Hà cho rằng nội dung này chưa rõ ràng vì sau đó, không xác định cụ thể cơ quan nào sẽ thực hiện thu nhập, bổ sung chứng cứ. Do đó, “Tòa án phải có quyền điều tra, bổ sung chứng cứ nhằm khắc phục những sai sót trong quá trình điều tra, truy tố”, ông Hà đề nghị. 
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM), cho rằng việc sửa quy định về thẩm quyền của tòa án trong quá trình điều tra, xét xử vụ án hình sự là cần thiết, để tránh thực tế xét xử trên “mâm cỗ đã dọn sẵn” của cơ quan điều tra. 

Tuy vậy, ông Nghĩa tỏ ra băn khoăn với quy định tại Điều 2 về “tòa án có quyền trả hồ sơ”. Theo ông Nghĩa, nếu thấy không đủ yếu tố buộc tội thì tòa có quyền tuyên bác quyết định khởi tố, bác cáo trạng và tuyên vô tội. Hoặc nêu những yêu cầu cung cấp, bổ sung chứng cớ và chủ trì việc xác minh, thu thập chứng cứ buộc tội xác đáng, thay vì chỉ quy định chung là trả hồ sơ, khiến vụ án bị kéo dài, không xử được.

Thẩm phán sẽ phải thi tuyển

Dự thảo Luật TAND (sửa đổi) lần này đã chỉnh lý các nội dung về quy định bổ nhiệm Thẩm phán và các chế độ lương, lương hưu… Hiện nay, có 3 cấp Thẩm phán là sơ cấp, trung cấp và Thẩm phán TAND tối cao. Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) không đồng tình với các tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, vì không tương xứng với các tiêu chuẩn bổ nhiệm chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp ở cơ quan nhà nước. Ông Nghĩa đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định, Thẩm phán phải thi nâng ngạch trước khi được bổ nhiệm cao hơn, mới bảo đảm chọn được người ưu tú. 
Hơn nữa, theo các đại biểu, Hội đồng tuyển chọn thẩm phán quốc gia có nhiệm vụ tổ chức thi tuyển, quyết định bổ nhiệm, giám sát việc thực hiện đúng quy định của thẩm phán… Vì thế, cần cân nhắc kỹ Điều 67 về giám sát việc thực hiện cách chức Thẩm phán địa phương, tuân thủ đạo đức lối sống. 
Nhấn mạnh tính độc lập và đặc thù của Thẩm phán, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Tp.HCM), lại cho rằng việc xây dựng luật phải lấy Thẩm phán là vai trò trung tâm, chứ không nên quan niệm Thẩm phán giống công chức khác. “Trong khi Đảng, Nhà nước đề ra rất cao yêu cầu đối với Thẩm phán, mà Dự thảo luật lại quy định phân loại Thẩm phán chẳng khác gì các nghề khác, công chức, viên chức khác là bất cập”, ông Ánh nói thẳng. Việc bổ sung Thẩm phán cũng chỉ được thực hiện khi có Thẩm phán về hưu hoặc chuyển công tác. Quy định khống chế tỷ lệ, số lượng Thẩm phán trung và cao cấp, sẽ khiến cho Thẩm phán sơ cấp phải mất tới 20 – 30 năm mới được nâng ngạch là bất hợp lý và cần phải sửa đổi. 

Thu Hằng 
Nguồn: 
http://thoibaokinhdoanh.vn/toa-an-co-quyen-dieu-tra-doc-lap.html