Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992: Quyền phúc quyết của nhân dân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quyền lực nhân dân chưa được cụ thể hóa

Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước được ghi nhận tại Điều 2 Hiến pháp năm 1992 với những nội dung quan trọng như: Việt Nam là Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây cũng là một trong nhiều nội dung quan trọng được đề cập tại Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992.

Theo đó, bên cạnh việc khẳng định quyền lực nhân dân là gốc của quyền lực nhà nước thì lần đầu tiên Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận một nguyên tắc mới về tổ chức quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền XHCN với 2 yếu tố: quyền lực nhà nước là thống nhất; thừa nhận sự tồn tại của 3 nhánh quyền (lập pháp, hành pháp và tư pháp). Tuy nhiên, Hiến pháp chưa phân công rõ cơ quan nào là cơ quan thưc hiện quyền hành pháp, tư pháp; yếu tố kiểm soát chưa được khẳng định trong nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước. Điều này dẫn đến ngay trong Hiến pháp và các luật về tổ chức đều còn những quy định thiếu rõ ràng, rành mạch về phân công nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan khi thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, làm ảnh hưởng đến việc tổ chức và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan này. Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo tổng kết Hiến pháp năm 1992, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Hoàng Thế Liên cho rằng, với quy định QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua QH, HĐND đã dẫn đến cách hiểu các cơ quan nhà nước khác không phải là cơ quan quyền lực nhà nước mà chỉ là các cơ quan với các quyền hạn “phái sinh” từ quyền lực của QH, thực hiện nhiệm vụ do QH phân công. Cần phải hiểu rằng, về bản chất, quyền lực nhà nước bắt  nguồn từ nhân dân; do vậy việc phân công cho cơ quan nào thực hiện nhánh quyền lực nào, phạm vi quyền hạn của mỗi cơ quan đến đâu phải được xác định trong Hiến pháp. Các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều là cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước và được nhân dân giao thực thi với chức năng và nhiệm vụ khác nhau.

Điều đáng quan tâm hơn, Hiến pháp 1992 chưa ghi nhận đầy đủ quyền làm chủ và chưa xác lập ở tầm hiến định cách thức, phạm vi làm chủ của nhân dân đối với quyền lực nhà nước. Một số quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân (quyền biểu quyết khi nhà nước biểu quyết trưng cầu ý kiến; các quyền tự do dân chủ trong lĩnh vực chính trị như biểu tình…) chưa được cụ thể hóa bằng luật nên vẫn chỉ mang tính tuyên ngôn. Phạm vi, cách thức thực hiện quyền dân chủ gián tiếp mới chỉ dừng lại ở quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ” (Điều 6) tạo ra nhận thức nhân dân chỉ được sử dụng quyền lực nhà nước thông qua QH và HĐND mà không phải thông qua tất cả các cơ quan nhà nước khác.

Quyền phúc quyết của nhân dân

Tổ chức bộ máy thực hiện quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương là một trong hai vấn đề nổi bật trong các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Cụ thể đối với nguyên tắc “Tất cả quyền lực nhà Nước thuộc về nhân dân” cần được hoàn thiện theo hướng: Hiến pháp phải ghi nhận đầy đủ quyền làm chủ và cách thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân đối với Nhà nước bằng các hình thức dân chủ gián tiếp hoặc trực tiếp. Từ cách đặt vấn đề này, Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra 2 phương án. Phương án1: Bổ sung một số điều trong Hiến pháp về quyền phúc quyết của nhân dân về Hiến pháp và các vấn đề trọng đại của đất nước; đồng thời quy định về mặt nguyên tắc tại Hiến pháp các vấn đề trọng đại nhất thiết phải đưa ra nhân dân phúc quyết làm cơ sở cho việc xây dựng một đạo luật quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền phúc đáp của nhân dân. Phương án 2: Tách từ Điều 53 Hiến pháp 1992 thành một điều riêng về biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân theo hướng: nhân dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân về việc sửa đổi Hiến pháp và những vấn đề trọng đại của quốc gia; đồng thời quy định về các phạm vi các vấn đề phải trưng cầu ý dân, nguyên tắc thực hiện trưng cầu ý dân làm cơ sở để xây dựng một đạo luật cụ thể. Bình luận về 2 phương án này, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng, phương án 1 là tích cực hơn và phù hợp với mục tiêu của Đảng về xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Bên cạnh việc hiến định quyền phúc đáp của người dân, thì cần hoàn thiện nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước theo hướng làm rõ nội dung, chủ thể thực hiện mỗi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong khi thực hiện quyền lực nhà nước. Theo đó, quyền lực nhà nước thống nhất về nguồn gốc (nhân dân là chủ thể của toàn bộ quyền lực nhà nước); thống nhất về bản chất (quyền lực nhà nước là một bộ phận của quyền lực nhân dân) và thống nhất về mục tiêu (mọi quyền lực nhà nước đều phải thực hiện để phục vụ lợi ích của nhân dân). Trong tổ chức thực hiện, quyền lực nhà nước được phân công thành các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; được giao cho các cơ quan nhà nước khác thực hiện để bảo đảm cho Nhà nước, đặc biệt là Nhà nước pháp quyền XHCN thực hiện một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Để hiện thực hóa được nguyên tắc này, dự thảo Báo cáo đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định làm rõ nội hàm của mỗi quyền trong cấu trúc quyền lực nhà nước, cụ thể: quyền lập pháp do QH thực hiện là quyền ban hành luật; quyền hành pháp do Chính phủ thực hiện là quyền hoạch định, điều hành chính sách, tổ chức thi hành và quản lý xã hội bằng pháp luật; quyền tư pháp do Tòa án thực hiện là quyền xét xử theo pháp luật.

Bên cạnh, việc quy định rõ sự phân công, phân quyền thì cần bổ sung yếu tố kiểm soát vào nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Việc bổ sung yếu tố này vào nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước đã được đúc rút từ thực tiễn hơn 20 năm thực hiện đường lối của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền nhằm hạn chế, loại trừ việc lạm quyền, tha hóa quyền lực nhà nước, xâm phạm quyền dân chủ của công dân bằng cơ chế giám sát, kiểm soát ngay trong nội bộ của mỗi nhánh quyền lực và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực nhà nước.

Nguyễn Yên Thành
 Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân