Trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Mở rộng quyền hạn của Chủ tịch Nước
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đó là những nét mới trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý- thay mặt Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992- trình bày tờ trình trước Quốc hội ngày 29.10.

Ông Phan Trung Lý cũng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ba yêu cầu của sửa đổi Hiến pháp

Theo tờ trình, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 cần đáp ứng các yêu cầu sau: Thứ nhất, tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa VN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thứ hai, thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng. Thứ ba, hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thật sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài.

Ông Lý cho biết: “Bản dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, dự thảo Hiến pháp giảm 1 chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới. Nhiều quy định đã được sửa đổi, bổ sung làm cho đầy đủ và chặt chẽ hơn”.

Chủ tịch Nước mới có quyền phong tướng

Theo ông Lý, dự thảo tiếp tục giữ các quy định của Hiến pháp 1992 về thiết chế Chủ tịch Nước và làm rõ hơn một số thẩm quyền của Chủ tịch Nước trong một số lĩnh vực, sắp xếp lại nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Nước.

Trong mối quan hệ với hành pháp: Chủ tịch Nước có quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và mối quan hệ giữa Chủ tịch Nước và Chính phủ; có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ; yêu cầu Chính phủ bàn về vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Nước khi cần thiết.

Dự thảo mở rộng hơn quyền của Chủ tịch Nước về việc phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao. Theo đó, quy định Chủ tịch Nước “thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN”.

Quốc hội sẽ thảo luận các nội dung sửa đổi Hiến pháp vào các ngày 6 và 15.11.

Chưa rõ việc thu quỹ phòng, chống thiên tai

Tại phiên họp của Quốc hội sáng 29.10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình bày tờ trình dự án Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đọc báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, ủy ban tán thành 18 loại thiên tai thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; song cũng có đề nghị bỏ bớt ra khỏi quy định một số loại thiên tai ít xảy ra, phạm vi ảnh hưởng nhỏ, đồng thời bổ sung quy định vào luật một số loại thiên tai như “cháy rừng do khô hạn, do sét đánh”, “dịch bệnh”…

Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh, dự thảo luật quy định hai loại quỹ cho công tác phòng, chống thiên tai chưa quy định rõ với loại quỹ đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì việc quản lý, sử dụng thế nào. Còn quỹ phòng, chống thiên tai (mang tính bắt buộc) thì gồm các loại thu gì, quỹ được thành lập ở cấp nào, đối tượng miễn trừ ra sao… cũng chưa thể hiện rõ. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lưu ý khi quy định việc thành lập quỹ, cơ chế đóng góp, sử dụng…, cần tránh tình trạng như việc sử dụng và quản lý quỹ phòng, chống lụt bão hiện nay. Ngoài ra, dự thảo luật mới quy định hình thức cứu trợ, hỗ trợ, chưa quy định về đối tượng tham gia cứu trợ, hàng cứu trợ, về điều kiện, đối tượng được sử dụng cứu trợ khẩn cấp.

Cũng trong sáng 29.10, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày tờ trình dự án Luật Phòng, chống khủng bố.

Theo tờ trình, ở VN mặc dù chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức khủng bố quốc tế gây ra, tuy nhiên từ năm 2000 đến nay đã có bốn vụ khủng bố do đối tượng phản động lưu vong người Việt câu kết với các đối tượng phản động, đối tượng hình sự khác trong nước thực hiện được phát hiện, điều tra, xử lý. Cơ quan an ninh cũng phát hiện hàng trăm đối tượng phản động lưu vong người Việt xâm nhập nội địa, mang theo hàng tấn thuốc nổ, vũ khí và phương tiện kỹ thuật nhằm sử dụng thực hiện khủng bố, phá hoại. Do diễn biến phức tạp của tình hình an ninh thế giới, khu vực và trong nước, nguy cơ tiềm ẩn khủng bố ở VN trong thời gian tới là rất lớn.

Cũng tại phiên họp sáng 29.10, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục quốc phòng – an ninh, Luật Hòa giải cơ sở.

Theo Tuổi trẻ