Tuyên ngôn về quyền tự do xuất nhập khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bộ Công Thương cho biết, dự thảo Luật dành một điều để quy định về quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân như một lời tuyên ngôn về quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp ghi nhận, trên cơ sở phù hợp với các cam kết quốc tế.

Cụ thể, thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài được kinh doanh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và các hoạt động có liên quan khác không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Luật này và hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

Tuy nhiên, thương nhân phải đáp ứng các điều kiện, giấy phép khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép, điều kiện.

Đối với thương nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, theo dự thảo, thương nhân, chi nhánh khi tiến hành hoạt động ngoại thương phải thực hiện các quyền xuất khẩu, nhập khẩu và các nghĩa vụ, biện pháp quản lý ngoại thương theo quy định của Luật này đồng thời với các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Luật cũng ghi rõ, chỉ áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu với hàng hóa có các thuộc tính sau: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền; gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, trật tự xã hội; gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học; là bảo vật quốc gia, cổ vật thuộc các di tích lịch sử được xếp hạng; theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đặc biệt, dự thảo Luật chỉ rõ danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu tại Phụ lục I.

Theo đó, cấm xuất khẩu vũ khí, đạn dược, trang thiết bị kỹ thuật quân sự, xe tăng, tàu chiế, súng lục ổ quay và súng lục, động vật, thực vật hoang dã quý hiếm và giống vật nuôi, cây trồng quý hiếm thuộc nhóm IA-I, các sản phẩm mật mã sử dụng để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước…

Còn trong danh mục cấm nhập khẩu là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, hàng hóa là sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng, các loại xuất bản phẩm cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam, phương tiện vận tải tay lái bên phải…

Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng quy định trường hợp ngoại lệ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu các loại hàng hóa nói trên phục vụ mục đích phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Theo Bộ Công Thương, hiện có quá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật cùng quy định quản lý hoạt động ngoại thương, dẫn đến tản mát, thiếu sự thống nhất về cùng một biện pháp các văn bản có quy định khác nhau về nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền… Việc có quá nhiều văn bản cùng quy định hoạt động ngoại thương dẫn đến sự thiếu minh bạch, rủi ro cho tổ chức, cá nhân, nhất là trong áp dụng chính sách quản lý hàng hóa (ví dụ như không có danh mục hàng hóa cấm thống nhất mà mỗi Luật và các văn bản hướng dẫn có quy định về cấm..).

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, cơ chế quản lý ngoại thương hiện hành đang gây cản trở lớn về thủ tục hành chính đến hoạt động của các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trong các khu vực hải quan riêng (là khu vực đang thu hút mạnh mẽ hoạt động đầu tư nước ngoài và có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn) cũng là đối tượng cần phải được rà soát, dỡ bỏ.

Luật này nếu được thông qua dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. và sẽ bãi bỏ Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam;

Pháp lệnh về việc chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; Pháp lệnh về chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và một số điều khoản trong Luật Thương mại 2005.

Thành Đạt

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ