Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật: Đừng trách doanh nghiệp không nhiệt tình
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Ngô Việt Hòa, Giám đốc Công ty Luật Russin & Vechi, nhận định: Thực tế DN có tâm lý chán góp ý, vì không được tiếp thu. Thông tin chỉ 20% DN phản hồi trong số 1.000 phiếu khảo sát mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và công bố tại hội thảo Vai trò của DN trong Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) phần nào nói lên tâm lý ngại ngần ấy.
Chán góp ý?Cụ thể, khảo sát của VCCI cho thấy trong số 212 DN phản hồi/1.000 DN được khảo sát, có đến 111 DN chỉ biết đến VBQPPL khi đã ban hành, 104 DN khi thực hiện mới biết, 101 DN chỉ biết khi có hiệu lực. Còn trong giai đoạn ban đầu, chỉ 26 DN biết ý tưởng, 60 DN biết khi còn là dự thảo. Xét về quy mô, việc lấy ý kiến DN cũng không có nhiều chuyển biến. Theo đó, khoảng 85% DN có quy mô vốn dưới 1 tỷ đồng chưa lần nào được cơ quan nhà nước lấy ý kiến khi soạn thảo các VBQPPL. Mặc dù, hoạt động tham vấn DN có tác động tỷ lệ thuận với mức độ tuân thủ pháp luật của DN. Bên cạnh đó, tỷ lệ sẵn sàng góp ý tất cả dự thảo các VBQPPL bằng kiến thức của DN là 20%/1.000 phiếu đã khảo sát. Đồng thời, 45% cho rằng sẽ tham vấn nếu vấn đề liên quan đến DN, 32% chỉ tham gia nếu dự thảo gây khó khăn cho DN và còn lại là không có nhu cầu.Nguyên nhân được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, nêu là do thời gian mà ban soạn thảo cho phép DN tham vấn quá ngắn, thường là 2 ngày. Trong khi nội dung khó hiểu. Thậm chí, nhiều ban soạn thảo gửi một tập văn bản mấy trăm trang, nhưng DN không biết thay đổi chỗ nào so với quy định hiện tại… Thậm chí, có bộ phận DN cho biết họ không có đủ chuyên môn góp ý, cũng như quan niệm có góp ý cũng không được tiếp thu.Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết: “Thời gian qua, với mỗi dự thảo luật, nghị định, việc lấy ý kiến đóng góp của DN mới chỉ tập trung vào những DN thân quen, DN được thụ hưởng từ những chính sách đó. Còn những DN bị ảnh hưởng lớn thì không biết hoặc ít có cơ hội để thể hiện ý kiến của mình. Điều đó tôi cho rằng chưa phù hợp”.
Bên cạnh đó, ông Mai Đình Mạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật điện Việt Nam, lại cho rằng hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện nay nhiều và phức tạp. Luật này có những vấn đề chồng chéo lên luật khác gây khó khăn trong quá trình thực hiện và vận dụng thực tế trong các lĩnh vực.Minh bạch và thực chấtThực tế, đã có nhiều DN cho rằng họ không sợ có nhiều luật, mà chỉ sợ luật rất đồ sộ nhưng lợi ích của mình lại không được bảo đảm. Vì vậy, theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam, cần phải bảo đảm đến mức cao nhất tính minh bạch của VBQPPL nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng đưa lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm vào VBQPPL. Ông Tiền dẫn ví dụ đối với luật sửa đổi, mặc dù những điều kiện kinh doanh trước đây đã bị bỏ, thì đến nay, các ban soạn thảo với lợi ích cục bộ của bộ mình, đã đưa nó trở lại luật và dễ dàng thuyết minh được Quốc hội thông qua và phục hồi.“Vừa qua, đã có rất nhiều công văn đưa thêm nội dung VBQPPL vào văn bản dưới luật phục vụ cho lợi ích nhóm nhưng các DN vẫn phải thực hiện. Cụ thể như công văn của Bộ Xây dựng là không cho các DN lập văn phòng ở khu chung cư. Đó là công văn nhưng các phòng đăng ký kinh doanh đã chấp nhận và cuối cùng không có DN nào đặt được văn phòng ở đó”, ông Tiền nói.

Hay ông Hưng cũng cho biết nhiều thông tư, ở các bản dự thảo đầu tiên có tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN, nhưng khi đến bản cuối cùng không còn bóng dáng các ý kiến góp ý của họ nữa, mà chỉ còn “đặc sệt” quan điểm của các bộ. Cùng với việc cắt gọt ý kiến đóng góp của cộng đồng DN, ban soạn thảo thông tư do các bộ thành lập còn tùy ý bổ sung các nội dung mới, theo ý chủ quan của họ, vào bản dự thảo cuối cùng trước khi ban hành, nên tác động tiêu cực đến chất lượng thông tư khi đưa vào áp dụng. Đặc biệt, ông Hưng còn thừa nhận khi ở cương vị Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, trong quá trình tham gia xây dựng thông tư, việc có tìm cách “lách” để gạt bỏ ý kiến góp ý của DN là khó tránh khỏi. Bởi vậy, để ngăn chặn tình trạng này, Luật ban hành VBQPPL mới cần bổ sung quy định đủ chặt chẽ, khả thi.

Như vậy, quá trình làm chính sách vẫn diễn ra một cách thụ động và cần chuyển sang chủ động để đảm bảo minh bạch và dân chủ. Minh bạch để không sợ nhóm lợi ích chi phối và dân chủ là chính sách phải bắt đầu từ thực tiễn hoạt động kinh doanh. Nếu làm được việc này thì luật Việt Nam mới không đến nỗi phức tạp nhất thế giới như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, cũng như không còn tình trạng đại biểu HĐND vừa chơi game vừa giơ tay biểu quyết.
Lê Thúy

Nguồn: http://thoibaokinhdoanh.vn/xay-dung-cac-van-ban-quy-pham-phap-luat-dung-trach-doanh-nghiep-khong-nhiet-tinh.html