Xây dựng Luật Tiếp cận thông tin: Hành lang pháp lý bảo đảm tính công khai, minh bạch
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phù hợp với thông lệ quốc tế

Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự – chính trị, được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 và các công ước khác của Liên Hợp Quốc. Trên thế giới, ngày càng có nhiều quốc gia nhận thức rõ tầm quan trọng của quyền tiếp cận thông tin và ban hành luật này như một công cụ góp phần nâng cao khả năng điều hành của Chính phủ, tăng cường tính minh bạch, dân chủ trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Cho tới nay đã có khoảng 120 quốc gia ban hành đạo luật liên quan tới quyền tiếp cận thông tin và tự do thông tin, tiêu biểu là Thụy Điển năm 1766, Mỹ ban hành Luật Tự do thông tin năm 1966, Canada năm 1983, Hungary năm 1992 và một số quốc gia khác cũng đang trong quá trình chuẩn bị ban hành luật.

Ở nước ta, quyền được thông tin đã được Hiến pháp 1992 quy định là một trong những quyền cơ bản của công dân tại Điều 69, đến Hiến pháp năm 2013, quyền này được đổi thành quyền tiếp cận thông tin (Điều 25). Không ít ý kiến cho rằng, việc ra đời luật về tiếp cận thông tin sẽ bảo đảm các quyền khác của con người, của công dân như quyền tham gia quản lý nhà nước, quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân hay quyền khiếu nại, quyền tố cáo, được thực thi có hiệu quả.

Hơn nữa, theo các quy định của pháp luật quốc tế, quyền tiếp cận thông tin là một quyền có giới hạn và các hạn chế tiếp cập thông tin cần phải được quy định trong luật để bảo đảm “tôn trọng quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng; sức khỏe hoặc đạo đức xã hội”, theo khoản 3, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Điều đó cho thấy, ban hành một đạo luật riêng với việc xác định rõ các điều kiện hạn chế là hoàn toàn phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Quy về một mối

Theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nếu xem hệ thống chính trị, kinh tế xã hội của một quốc gia là cơ thể con người, thì tiếp cận thông tin được coi như là hệ thần kinh. Các dây thần kinh thông tin sẽ giúp bảo đảm sử dụng nguồn lực hiệu quả, các quyết định được đưa ra sẽ công bằng, minh bạch. Tuy nhiên, với một rừng quy định về tiếp cận thông tin, nằm rải rác ở nhiều văn bản luật như hiện nay, người dân không dễ thực hiện quyền của mình.

Thực tế cho thấy, quy định về quyền tiếp cận thông tin đã được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật. Theo thống kê, hiện có tới 41 luật, pháp lệnh và 34 thông tư, nghị định quy định loại thông tin các tổ chức, cá nhân có quyền tiếp cận trong 16 lĩnh vực quan trọng như đất đai, hạ tầng xây dựng, an toàn thực phẩm, phòng chống tham nhũng… Trong đó, phải kể tới Nghị định 90/2013 về trách nhiệm giải trình, mà thực chất là quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin về các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước liên quan đến người dân và doanh nghiệp, cũng như thủ tục yêu cầu thông tin. Đây được xem là văn bản mới, tiến bộ về quyền tiếp cận thông tin nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguy cơ khó được thực hiện do người dân, doanh nghiệp không biết tới Nghị định này. Rõ ràng, nếu cùng một nội dung về tiếp cận thông tin, mỗi văn bản pháp luật lại có quy định riêng biệt thì người dân, doanh nghiệp khó lòng tiếp cận nổi.

Mặc dù có nhiều văn bản pháp luật song vẫn chưa bao quát hết được lĩnh vực thông tin mà cơ quan nhà nước cung cấp như các hoạt động về tư pháp. Do đó, việc “quy về một mối” các điều luật về tiếp cận thông tin đã trở thành nhu cầu tất yếu bảo đảm cho sự công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện quyền của người dân. Theo đó, người dân không phải mất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm văn bản, giảm vi phạm pháp luật và khiếu nại, khiếu kiện do thiếu thông tin.

Bảo đảm công khai, minh bạch

Theo TS. Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, theo một khảo sát mới đây, hơn 50% người dân được hỏi cho rằng khó và không thể tiếp cận được với các thông tin công khai trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gần 70% khó hoặc không thể tiếp cận được với quản lý ngân sách, đầu tư công.

Thực tế cho thấy, hiện nay, việc tiếp cận những thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ còn nhiều khó khăn, thông tin được cung cấp thường không đầy đủ, thiếu chính xác và chưa kịp thời. Có nhiều trường hợp, thông tin công khai nhưng lại dán ở những vị trí khó thấy hoặc được cung cấp vào những ngày nghỉ trong thời gian quá ngắn, người dân chưa kịp tiếp cận đã bị tháo bỏ. Nhiều cá nhân, tổ chức vì thiếu thông tin mà dẫn tới áp dụng pháp luật không thống nhất, người dân vì thiếu ý thức về quyền của mình mà chưa cởi mở trong giám sát, phản biện để hoàn thiện chính sách, pháp luật. Có biểu hiện này là bởi pháp luật hiện hành chưa xác định rõ nội hàm “quyền tiếp cận thông tin” của công dân là gì, còn thiếu trình tự, thủ tục yêu cầu, biện pháp xử lý hành vi vi phạm về công khai thông tin, thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan công quyền, chưa có một cơ chế rõ ràng về cung cấp thông tin, cũng như không minh bạch, rõ ràng về loại thông tin nào cần được cung cấp, hạn chế cung cấp và cung cấp như thế nào.

Bà Đào Thị Nga, Giám đốc Tổ chức Hướng tới sự minh bạch cho biết, nhiều văn bản pháp luật đã quy định quyền cung cấp thông tin và trách nhiệm thông tin của Nhà nước như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đất đai, Luật Xây dựng hay Pháp lệnh dân chủ cơ sở, đều quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước là cung cấp thông tin do mình nắm giữ. Tuy nhiên, hầu hết các văn bản này chỉ dừng lại ở việc xác định trách nhiệm cung cấp thông tin và trao quyền cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước, chứ chưa quy định điều kiện chủ động được yêu cầu cung cấp thông tin của người dân. Điều này đã tạo ra tâm lý e ngại khi người dân tiếp cận thông tin.

Chính vì vậy, TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã từng nhận định, cần xây dựng luật riêng về tiếp cận thông tin, bảo đảm tính chủ động của người dân trong việc thực hiện quyền của mình thay vì ở thế bị động, Nhà nước cung cấp tới đâu thì biết tới đó như trước kia. Luật sẽ mở ra hành lang pháp lý quan trọng giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Xây dựng Luật như một nhu cầu về quyền tiếp cận thông tin của người dân chứ không chỉ nhằm phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền của cơ quan nhà nước, để nó thực sự là “quyền của quyền” –  một khi được công nhận thì các quyền khác cũng được bảo đảm theo.

Thu Trang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân