Xây dựng luật về dự trữ quốc gia để góp phần điều tiết, khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong thời gian qua, các hoạt động quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia đã được quy định trong nhiều văn bản. Với sự ưu tiên, quan tâm của Nhà nước, tiềm lực dự trữ quốc gia đã được tăng cường. Và do chủ động tăng cường nguồn lực dự trữ các mặt hàng lương thực, thiết bị tìm kiếm cứu nạn nên các địa phương đều được hỗ trợ kịp thời để giải quyết khó khăn trong đời sống của người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của, cũng như sớm khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài ra, nguồn dự trữ quốc gia về thuốc bảo vệ thực vật, thuốc, vaccine cho gia súc, các loại hạt giống cũng được xuất cấp kịp thời, giúp địa phương ngăn ngừa sớm, dập dịch hiệu quả, bảo đảm ổn định sản xuất. Nguồn lực dự trữ quốc gia của lĩnh vực quốc phòng, công an được tăng cường giúp nâng cao khả năng bảo vệ, góp phần hỗ trợ trong bảo đảm an ninh những sự kiện chính trị – xã hội lớn của đất nước. Việc sử dụng dự trữ quốc gia để viện trợ lương thực cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai đã giúp thắt chặt tình đoàn kết với các quốc gia trên thế giới, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mới chỉ quy định nguồn lực dự trữ quốc gia hình thành từ ngân sách Nhà nước, chưa có chính sách khuyến khích các thành phần khác trong xã hội cùng tham gia. Trong khi đó, ngoài những lĩnh vực quan trọng, thì còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức cùng tham gia như: xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kho chứa, cung ứng, bảo quản hàng hóa dự trữ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản… Cơ chế quản lý, điều hành Quỹ Dự trữ quốc gia được quy định tại Pháp lệnh hiện hành không phù hợp với các luật mới ban hành, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ hàng năm. Ví dụ như phương thức mua bán không thống nhất với quy định của Luật Đấu thầu. Để tháo gỡ vướng mắc do vênh giữa các văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, sau đó, Chính phủ đã trình UBTVQH xem xét cho áp dụng phương thức mua bán khác. Ngoài ra, quy định về quản lý hàng dự trữ quốc gia đối với doanh nghiệp chưa phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại. Một số quy định về quản lý tiêu chuẩn chất lượng, quy trình, quy phạm, thời hạn bảo quản hàng chưa đồng bộ với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn chất lượng. Mặt khác, các quy định hiện hành về mua, bán hàng hóa, vật tư dự trữ quốc gia không còn phù hợp với sự phát triển của kinh tế – xã hội hiện nay, gây khó khăn cho thực hiện công tác này. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ quốc gia Phạm Phan Dũng, những tồn tại này không thể giải quyết bằng một văn bản ở tầm pháp lệnh, cần được tháo gỡ tại một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn.

Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về dự trữ quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng và ban hành văn bản có tính pháp lý cao hơn về lĩnh vực này không nên chỉ để tháo gỡ vướng mắc, bất cập tại văn bản hiện hành. Bởi nước ta đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và khu vực nên cần bắt kịp những xu hướng chung. Cụ thể là sử dụng dự trữ quốc gia để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn; bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội; đáp ứng đòi hỏi khẩn cấp của quốc gia. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Ngọc Tuấn, việc hình thành và sử dụng dự trữ quốc gia là phản ứng tất yếu của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường với những khuyết tật vốn có thường mâu thuẫn với yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, Nhà nước cần quan tâm xây dựng và bảo đảm lực lượng dự trữ quốc gia ngày càng mạnh để có thể góp phần điều tiết, khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, cũng như ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh về an ninh, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững của đất nước. Việc dành nguồn lực tài chính cần thiết cho công tác này là sự trả giá rất cần cho bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Song cũng có quan điểm cho rằng, dù được tăng cường đầu tư nhưng hiện nay nguồn lực dự trữ quốc gia còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Bởi thế, công tác xuất dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh mới chỉ đáp ứng được một số nhu cầu. Hệ thống kho bảo quản còn hạn chế về số lượng, quy mô và công nghệ, thiết bị. Trong khi đó, nguồn chi cho đầu tư phát triển hệ thống kho tàng trong thời gian qua tăng chậm, chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu vốn. Và khả năng của nguồn lực này trong giai đoạn từ 5 – 10 năm tới thì chỉ có thể đáp ứng được cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề biến đổi khí hậu, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, trật tự xã hội, cũng như các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước. Quá trình thực hiện Pháp lệnh Dự trữ quốc gia cũng cho thấy, mục tiêu góp phần bình ổn thị trường hầu như chưa triển khai được do nguồn lực dự trữ còn hạn hẹp. Công tác bình ổn thị trường được thực hiện bằng các công cụ của Chính phủ như hệ thống lưu trữ lưu thông bắt buộc, chương trình bình ổn giá…

Nhưng kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, dự trữ quốc gia không chỉ là tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn. Tại nhiều quốc gia, bên cạnh đáp ứng nhu cầu sử dụng khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hay đáp ứng nhiệm vụ đột xuất của Nhà nước, thì hàng dự trữ được sử dụng để bảo đảm bình ổn thị trường. Việc xuất bán hàng hóa dự trữ quốc gia được áp dụng giá sàn để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, kịp thời ổn định thị trường. Cơ quan lưu trữ quốc gia cũng áp dụng giá mua hàng hóa, vật tư phù hợp để bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức sản xuất. Như vậy, khuyết tật của kinh tế thị trường đã được Nhà nước điều chỉnh và mang lại lợi ích cho đại bộ phận người dân. Thực tế này đòi hỏi cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Dự trữ quốc gia cần tăng cường nghiên cứu, học tập những bài học kinh nghiệm trên thế giới để văn bản quy phạm pháp luật này có thể trở thành nền tảng cho xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia vững mạnh, góp phần điều tiết, khắc phục những mặt trái vốn có của kinh tế thị trường.

Phương Thủy
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân