10 lĩnh vực của nền kinh tế năm 2012: Thực trạng cạnh tranh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Báo cáo dày 442 trang, tập trung đánh giá cạnh tranh dưới góc độ chính sách, pháp luật cạnh tranh và các tiêu chí được các tổ chức quốc tế sử dụng đánh giá cạnh tranh ở các nước đang phát triển. Với cách tiếp cận này, báo cáo xem xét và đánh giá quy mô của thị trường, rào cản gia nhập và rút lui khỏi thị trường; cấu trúc thị trường và thực trạng hoạt động cạnh tranh trên thị trường, qua đó nhận diện các hành vi phản cạnh tranh đã, đang và có khả năng xuất hiện trên thị trường trong từng lĩnh vực được đánh giá.

Nhóm 1: Các lĩnh vực sản xuất

Lĩnh vực sản xuất gồm: Ôtô tải, kính xây dựng, bột giặt, giấy, dầu thực vật, có quy mô thị trường tương đối lớn, tiềm năng và đều đòi hỏi về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và tiềm lực tài chính. Ngoài các rào cản tự nhiên như nguồn lực, công nghệ, hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, các doanh nghiệp (DN) mới gia nhập thị trường còn phải đối mặt với khó khăn tiếp cận nguyên liệu thô, kênh phân phối… 

Dù chưa xuất hiện hành vi hạn chế cạnh tranh trong 5 lĩnh vực này, song báo cáo lưu ý 4/5 lĩnh vực có mức độ tập trung kinh tế cao, trừ lĩnh vực giấy, thể hiện trên chỉ số CR3 và CR5 (chỉ số về mức độ tập trung của ngành) và HHI (chỉ số đo lường dựa trên tổng số DN và phân phối quy mô của DN trong ngành công nghiệp). Mức độ tập trung cao nhất là lĩnh vực bột giặt CR3>98% và thấp nhất là kính xây dựng 62,5% nhưng chỉ số HHI trên 1.800.

Báo cáo nhận xét, mức độ cạnh tranh ở 5 lĩnh vực sản xuất khá cao, bằng chứng là lượng hàng tồn kho lớn ở giấy và kính xây dựng. Sức ép cạnh tranh cũng khiến các DN lĩnh vực bột giặt dù có thị phần lớn vẫn phải duy trì chiến lược quảng cáo lâu dài để ổn định thị phần. Mức độ cạnh tranh ở 2 lĩnh vực dầu thực vật và ôtô tải cũng gia tăng khi số lượng các DN thương mại (không sản xuất, chỉ nhập khẩu và phân bổ) tham gia thị trường ngày càng tăng.

Nhóm 2: Các lĩnh vực dịch vụ

Các lĩnh vực dịch vụ gồm: Phân phối dược phẩm, vận tải biển, bảo hiểm nhân thọ, quảng cáo và truyền hình trả tiền. Trừ phân phối dược phẩm thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, 4 dịch vụ còn lại không thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và được mở cửa thị trường theo cam kết WTO của Việt Nam. Vì vậy, số lượng chủ thể tham gia trên thị trường khá đông và các DN chiếm các vị trí dẫn đầu thường là các DN nước ngoài mà bảo hiểm phi nhân thọ là một ví dụ.

So sánh với 5 lĩnh vực sản xuất thì 5 lĩnh vực dịch vụ có mức độ tập trung thấp hơn. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có mức độ tập trung cao nhất với chỉ số CR3 là 76,7% và chỉ số HHI>2000, còn chỉ số CR3 của thị trường thuốc nhập khẩu vẫn ổn định ở mốc 30%.

Báo cáo nhận định: “Cấu trúc thị trường nhóm này tương đối ổn định, mức độ cạnh tranh cao và không tiềm ẩn các vấn đề cạnh tranh”. Tuy nhiên, ở lĩnh vực quảng cáo và truyền hình trả tiền, mức độ cạnh tranh cao và có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, như gièm pha đối thủ, gây rối hoạt động kinh doanh”. Một hành vi đáng quan tâm theo Báo cáo là việc áp đặt điều kiện và giá khi thuê cột điện để nối cáp, trong khi Luật Cạnh tranh chưa có quy định điều chỉnh hành vi này.

Dựa trên những nghiên cứu, đánh giá, Báo cáo nêu 2 nhóm khuyến nghị cụ thể cho từng lĩnh vực, nhằm duy trì cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể trên thị trường.

Hải Vân
Nguồn: Báo điện tử Công thương