10 sự kiện bảo hiểm tiêu biểu của năm 2007
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1. Chế độ Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được hoàn thiện hơn để củng cố và phát triển thị trường bảo hiểm. Việc ban hành NĐ 45/2007/NĐ-CP ngày 27/03/2007 và NĐ 46/2007/NĐ-CP ngày 27/03/2007 và chuẩn bị ban hành 02 Thông tư hướng dẫn Nghị Định trên thể hiện sự nắm bắt nhu cầu phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam, cần thực hiện cam kết WTO hội nhập và mở cửa thị trường bảo hiểm cần có những cơ chế chính sách quản lý Nhà nước phù hợp. Đây cũng là một biện pháp tạo ra môi trường pháp lý để củng cố thị trường bảo hiểm đang phát triển.

2. Một số sản phẩm bảo hiểm bắt buộc đã được ban hàng cùng với việc chuẩn bị cơ sở pháp lý cho sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư ra đời tăng thêm năng lực và dung lượng của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Bộ Tài chính ban hành Quyết định 23 Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Quyết định Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc…Đồng thời, Bộ Tài chính còn chuẩn bị ban hành Quy chế triển khai thí điểm bảo hiểm liên kết đơn vị và liên kết chung, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Việc cho phép ra đời bảo hiểm liên kết đầu tư và liên kết chung trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang phát triển, đang cần có sự kích cầu và đang được các nhà đầu tư (có tiền nhàn rỗi) rất quan tâm sẽ hứa hẹn một thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển nhanh chóng trong giai đoạn mới hướng tới mục tiêu 31.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2010.

3. Các DN bảo hiểm đã góp phần tích cực vào công tác đề phòng hạn chế tổn thất hình thành quỹ tập trung, quy mô lớn để thực hiện được những công việc lớn như đóng góp 5% phí bảo hiểm chắt nộ bắt buộc, 2% phí bảo hiểm bắt buộc cho trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới vào Quỹ tuyên truyền và đảm bảo an toàn giao thông của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

4. Các DN bảo hiểm hàng đầu thế giới mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của các DN bảo hiểm Việt Nam. Bảo Việt chọn đối tác là HSBC tham gia 10% vốn, Bảo Minh chọn đối tác chiến lược là AXA tham gia 16% vốn thể hiện sức mạnh và uy tín của DN bảo hiểm Việt Nam đang thu hút các DN bảo hiểm hàng đầu thế giới sẵn sàng góp vốn kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm về kinh doanh bảo hiểm, quản lý và phát triển sản phẩm.Tiếp theo Bảo Việt, Bảo Minh các DN bảo hiểm khác cũng đang đàm phán để lựa chon đối tác chiến lược nước ngoài.

5. Các DN bảo hiểm đồng loạt tăng vốn ngoài việc tăng vốn pháp định. Theo quy định của Thông tư hướng dẫn thi hành NĐ 45, NĐ 46 (300 tỷ đồng đối với DN bảo hiểm phi nhân thọ và 600 tỷ đồng đối với DN bảo hiểm nhân thọ) nhiều DN còn đăng ký tăng vốn cao hơn vốn pháp định. Tổng số vốn chủ sở hữu của các DN bảo hiểm lên đến trên 15.000 tỷ đồng, trong đó Bảo Việt dẫn đầu với 6.800 tỷ đồng. Việc tăng vốn tạo điều kiện cho các DN bảo hiểm mở rộng hoạt động sang các dịch vụ tài chính khác như thành lập ngân hàng (Bảo Việt), công ty chứng khoán (Bảo Minh), công ty tài chính (PVI, Prudential…)

6. Các DN bảo hiểm đang tích cực đưa ra thị trường những sản phẩm bảo hiểm mới phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế – xã hội, tăng thêm sự lựa chọn cho người tham gia bảo hiểm như: bảo hiểm y tế điều trị chất lượng cao, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm khả năng trả nợ của người vay nợ, bảo hiểm tín dụng… Đến nay, đã có tới 720 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ và 130 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

7. Các Dn bảo hiểm tích cực tăng thêm dịch vụ gia tăng cho khách hàng tham gia bảo hiểm. Việc cung cấp những dịch vụ gia tăng cho khách hàng không chỉ thể hiện chính sách chăm sóc khách hàng, giữ gìn khách hàng mà còn thể hiện tính hơn hẳn của việc mua bảo hiểm của các DN bảo hiểm đang hoạt động tại VIệt Nam so với mua bảo hiểm của các DN bảo hiểm chưa có mặt tại Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh khi thực hiện cam kết WTO.

8. Tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng khá nhanh doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2006 (cao nhất trong 5 năm qua). Ước năm 2007 đạt 8.350 tỷ đồng, gần tiến tới chỉ tiêu 9.000 tỷ đồng đề ra cho năm 2010 trong chiến lược phát triển bảo hiểm 2003 -2010 đã được Thủ tướng phê duyệt. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 12% so với cùng kỳ năm 2006, cao nhất trong vòng 3 năm qua, ước đạt năm 2007 là 9.500 tỷ đồng.

9. Các DN bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế quốc dân bằng vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ ước tính gần 40.000 tỷ đồng tương đương với 2,5 tỷ USD. Trong đó, có gần 90% mua trái phiếu và gửi ngân hàng, một nguồn vốn trung và dài hạn đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật.

10. Các DN bảo hiểm nâng cao năng lực cạnh tranh và sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh khi mở cửa thị trường bảo hiểm Việt Nam, thực hiện cam kết WTO. Chưa bao giờ các DN bảo hiểm lại quan tâm tới công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực như hiện nay. Các DN bảo hiểm lớn đều có trung tâm đào tạo để cập nhật kiến thức nâng cao nghiệp vụ. Đồng thời, nhiều DN bảo hiểm cũng đã đầu tư mạnh để phát triển công nghệ thông, cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

Nguồn: Báo QĐND