2015 cơ hội để ngành chăn nuôi nâng cao sức cạnh tranh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2015 được dự báo sẽ là một năm mà quá trình hội nhập quốc tế của nước ta tiếp tục trở nên sâu rộng hơn khi nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng có khả năng sẽ được ký kết. Bên cạnh Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ đưa thuế suất của nhiều mặt hàng nông sản về mức 0%, thì nhiều hiệp định song phương và đa phương khác cũng sẽ mở cánh cửa cho các loại nông sản trong nước thâm nhập thị trường nước ngoài. Đây không chỉ là cơ hội với nông sản trong nước, mà cũng là cơ hội cho nông sản nhập khẩu. Trong bối cảnh này, ngành chăn nuôi được xem là một trong những khu vực sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Sức ép cạnh tranh từ các mặt hàng ngoại nhập và các đối thủ nước ngoài đang khiến cho nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như nông dân lo lắng.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, hội nhập không chỉ mang đến thách thức mà còn mở ra cơ hội để cho ngành chăn nuôi nước ta nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hoàn thiện quy trình sản xuất. Để tận dụng được cơ hội này, các sản phẩm chăn nuôi của nước ta phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; mẫu mã phải đa dạng, giá thành hợp lý; bảo đảm nguồn hàng để cung ứng kịp thời cho nhà nhập khẩu… Bên cạnh đó, phải đầu tư nhiều hơn trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học – công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào chăn nuôi, nâng cao năng lực cho nông dân để có thể tự tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Mặt khác, ngành chăn nuôi cũng cần hạ giá thành sản phẩm để có thể nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước đối với mặt hàng nhập ngoại.

Ngoài ra, để tạo chuyển biến cơ bản cho ngành chăn nuôi, phải kiên quyết chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại hoặc chuyển sang sản xuất theo mô hình công nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Đồng thời, cần áp dụng kỹ thuật tiên tiến, an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường; tiếp tục nỗ lực phòng chống dịch bệnh, tạo môi trường thuận lợi để phát triển chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác quản lý nhằm bảo đảm cung cấp con giống chất lượng cho người chăn nuôi. Đẩy mạnh quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, kiên quyết xử lý đối với hành vi sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi…

Mới đây, Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng đã công bố nghiên cứu 4 chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bởi nếu liên kết giữa sản xuất con giống với hộ chăn nuôi thương phẩm sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm từ 7 – 11%; liên kết giữa hộ chăn nuôi với nhà máy thức ăn chăn nuôi cũng giúp hạ giá thành sản phẩm từ 7 – 9% do không phải thông qua đại lý. Bên cạnh đó, cần liên kết khép kín chuỗi giá trị từ thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến người tiêu dùng. Thực tế, nếu người chăn nuôi có lợi nhuận khoảng 3.000 đồng/1 con lợn/1ngày, thì khâu giết mổ chế biến, bán lẻ trên thị trường thu về 800 – 900 nghìn đồng/1 con/1 ngày.  

Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Nguyễn Thanh Vân cho biết, trên cả nước đang tồn tại nhiều hình thức chăn nuôi, từ nông hộ, trang trại, doanh nghiệp cho đến chăn nuôi của các tổ chức quốc tế. Nhưng trước ngưỡng cửa hội nhập, thì dù theo mô hình nào cũng phải bảo đảm tạo ra sản phẩm có chất lượng. Điều này đòi hỏi nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tiếp cận những sản phẩm tiên tiến nhất, tinh túy nhất của quốc tế để đưa vào ứng dụng trong nước; đồng thời, đào tạo đội ngũ chăn nuôi trực tiếp am hiểu khoa học, kỹ thuật, có năng lực quản lý, cũng như có kiến thức về hội nhập quốc tế. Như vậy, ngành chăn nuôi nước ta mới tạo ra được những sản phẩm tốt, đủ sức cạnh tranh.

Lê Dũng
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân