3 tháng cuối năm 2009: Ngành Công Thương dốc toàn lực để đạt mục tiêu cao nhất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tăng trong thế khó

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành 9 tháng ước đạt 505,97 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 16%), trong đó khu vực nhà nước trung ương tăng 4,8%, khu vực nhà nước địa phương giảm 2,9%, khu vực ngoài nhà nước tăng 8,4% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,0%. Nhờ tác động tích cực của các biện pháp kích cầu đầu tư, hỗ trợ sản xuất và kích thích tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, phát triển công nghiệp tiếp tục có sự phục hồi đáng kể trong những tháng gần đây, đặc biệt trong quý III, giá trị sản xuất công nghiệp tháng sau tăng hơn tháng trước bình quân 10%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9/2009 tăng so với cùng kỳ 12,5%, cao hơn so với tăng trưởng bình quân 9 tháng 6 điểm %, cho thấy khả năng đạt mức chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng cuối năm (8%) là rất khả quan. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, kết quả này cũng chưa thật sự như mong đợi bởi đây là năm đầu tiên, giá trị sản xuất công nghiệp tăng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

Cùng với sản xuất công nghiệp, hoạt động XK cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn và cũng là năm đầu tiên XK suy giảm mà nguyên nhân chính là do khủng hảng kinh tế thế giới khiến lượng tăng mà giá không tăng. Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 9 tháng ước đạt 41,74 tỉ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2008 tương đương với giảm 6,96 tỷ USD (bằng 70,74 % mục tiêu kế hoạch điều chỉnh), Riêng tháng 9, KNXK ước đạt 4,680 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng 8, giảm 11,4 % so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do sự giảm giá của nhiều mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam và sự thu hẹp của một số thị trường thuộc các khu vực. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm ước đạt 4,64 tỷ USD/tháng, thấp hơn mức bình quân 9 tháng năm 2008 (5,4 tỷ USD/tháng), là 770 triệu USD. Ước tính do yếu tố giá giảm đã làm cho kim ngạch xuất khẩu 9 tháng giảm khoảng 7 tỷ USD. Tuy nhiên nếu loại trừ yếu tố đột biến về thị trường và giá hàng hóa năm 2008, hoạt động xuất khẩu 9 tháng vẫn có tốc độ tăng khá so với dãy số thời gian của các năm trước, so với năm gần nhất là 2007 đã tăng 20%.


Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu phát biểu tại giao ban


Tại đầu cầu Hà Nội


Đại biểu tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá 9 tháng ước đạt 48,27 tỷ USD, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2008. Trong tháng 9, nhập siêu ước khoảng 1,52 tỷ USD, bằng 32,48% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 9 tháng nhập siêu ước khoảng 6,54 tỉ USD, bằng 15,68% kim ngạch xuất khẩu. Nhìn chung, nhập siêu về hàng hóa vẫn trong tầm kiểm soát và chủ yếu tăng từ đầu quí 2 đến nay.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 9 ước đạt 101,5 ngàn tỷ đồng tăng 2,1% so với tháng 8, cộng dồn 9 tháng ước đạt 845,4 ngàn tỷ đồng tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kiến nghị từ DN

Lần đầu tiên, buổi giao ban trực tuyến sơ kết hoạt động của ngành Công Thương có sự tham gia của đại diện tập đoàn, tổng công ty, Sở Công Thương và DN. Điểm trọng tâm mà đại diện các DN, hiệp hội, Sở Công Thương Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đưa ra đều là đẩy mạnh công tác XTTM tại thị trường nội địa và nên kéo dài gói hỗ trợ lãi suất, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất theo QĐ 497 để các DN mạnh dạn hơn trong sản xuất, XK và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Chính bởi ý thức được tầm quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu hoàn thành kế hoạch 3 tháng cuối năm nên bên cạnh ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo bộ, các DN cũng đã có nhưng đề xuất cụ thể cho từng ngành, nhằm góp phần hoàn thành kế hoạch chung. Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Phùng Đình Thực đề nghị: Cần nhanh chóng có hướng dẫn chi tiết về Luật Dầu khí sửa đổi để tạo điều kiện cho DN hoạt động đúng trong khuôn khổ pháp luật. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên có ưu đãi đầu tư cho một số dự án điện; có phương án xây dựng tuyến đường ống thứ 2 Nam Côn Sơn cũng như việc triển khai các dự án điện than nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm dầu Dung Quất. Ông Trần Xuân Hòa, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: các chỉ tiêu cơ bản về sản xuất kinh doanh của tập đoàn 9 tháng đầu năm đã hoàn thành cơ bản và dự kiến kế hoạch cả năm 2009 cũng sẽ đạt và giữ được như doanh thu của năm 2008 là 57.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư cơ bản của TKV lại không hoàn thành, điều này dẫn đến các dự án phục vụ hoạt động của ngành từ năm 2011-2015 sẽ bị ảnh hưởng. Trong quý này, TKV sẽ thực hiện lộ trình tăng giá than với các ngành sản xuất (trừ ngành điện) và tiến tới đưa về thị trường một giá.

Dệt may – ngành sản xuất đóng góp giá trị lớn cho XK cũng như tiêu thụ nội địa – đưa ra 8 đề xuất nhằm hỗ trợ cho các DN trong ngành. Đó là việc gia hạn hỗ trợ lãi suất đến hết năm 2010; hỗ trợ di dời nhà máy; đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tài trợ cho các dự án của ngành, nhất là các dự án dệt và xử lý nước thải. Bên cạnh đó, hoạt động XTTM mở rộng thị trường mới và kích cầu thị trường nội địa cần được triển khai sâu rộng hơn, nhất là với những thị trường truyền thống đã mất như Nga hay với thị trường mới là Nam Mỹ, mà cụ thể là Chi Lê. Bộ Công Thương cũng cần có quy hoạch chi tiết để xây dựng KCN dệt nhuộm tập trung tại Thái Bình và Trà Vinh để kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất vải đến Việt Nam.

Quyết liệt thực hiện chính sách để hoàn thành nhiệm vụ

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ: Nếu duy trì đà tăng trưởng này thì giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành có thể hoàn thành theo kế hoạch. Việc XK gặp khó khăn về giá khiến kim ngạch sụt giảm nhưng khối lượng các mặt hàng tăng lên cũng là điều đáng mừng bởi kết quả này thể hiện sự cố gắng của các DN cũng như cơ quan quản lý trong việc tìm kiếm thị trường mới và tìm mọi cách đẩy mạnh hoạt động này. Với thị trường trong nước tăng 18%, ngành Công Thương đã bình ổn được thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá hay găm hàng như những năm trước.

Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ: Ba tháng cuối năm, Bộ Công Thương cần xây dựng khung pháp lý, đề án và văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các DN. đẩy mạnh giải ngân trong đầu tư xây dựng cơ bản, tạo đà cho phát triển bền vững. Các tổng công ty, tập đoàn và những địa phương có thị trường trọng điểm sẽ là những đơn vị chủ lực để thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp. Với hoạt động XK, cần thực hiện quyết liệt hơn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất. Các DN cần tận dụng những lợi thế về giá, hiệp định FFTA và các hiệp định đối tác kinh tế song phương, đa phương để đẩy mạnh XK, bù lại kết quả chưa như mong đợi của những tháng trước. Hoạt động NK cũng sẽ phải kiểm soát chặt chẽ, tránh đầu cơ bởi nhu cầu NK hàng hóa cuối năm tăng cao; không để nhập siêu vượt 20% tổng kim ngạch XK, tức là nhập siêu cả năm chỉ khoảng 10-11 tỉ USD. Thị trường trong nước cũng sẽ được coi trọng hơn thông qua việc thực hiện các gói kích cầu để tạo thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng như cung ứng đủ hàng hoá cho đời sống, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ của toàn ngành trong quý IV/2009 cố gắng đạt được mục tiêu ở mức cao nhất. Như dự báo, năm 2009, tăng trưởng kinh tế đạt từ 5-5,2% và để đạt được mục tiêu này, sản xuất công nghiệp phải phấn đấu tăng cao hơn bình quân 9 tháng, tối thiểu là 9%.

Thùy Linh- Cấn Dũng
Nguồn: Báo điện tử Công thương