50 ngành nghề có điều kiện sẽ được “thả”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra một số kết quả rà soát ban đầu về tình hình ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Ông Nguyễn Đình Cung – Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô của viện này cho biết sau khi rà soát trên 450 văn bản (luật, nghị định, quyết định, thông tư) thì tập hợp được khoảng 400 ngành, nghề thuộc dạng kinh doanh có điều kiện, tập trung trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sau đó là ngành sản xuất, chế biến, khai khoáng…

Không rõ mục đích

Hiểu nôm na, doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện nhất định thì mới được kinh doanh một trong các ngành, nghề này. Ví dụ đơn giản như mở cửa hàng cho thuê băng đĩa phim. Việc này cũng được xem là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và muốn mở cửa hàng này thì phải có địa điểm và phải có đầu phát, màn hình để kiểm tra nội dung, chất lượng băng đĩa. Phức tạp hơn, có những ngành, nghề bị liệt kê vào diện “có điều kiện” với hàng lô điều kiện nhìn muốn chóng mặt, nào là người quản lý phải có chứng chỉ, nào là phải đáp ứng vốn pháp định, nào là phải có trụ sở ổn định…

Theo ông Cung, năm 1999 chỉ có 10 loại ngành nghề bị cấm, năm loại bị hạn chế, 14 loại kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, đến năm 2006, chỉ riêng trong Nghị định 59/2006 (hướng dẫn Luật Thương mại) đã quy định đến 23 loại cấm (ví dụ vũ khí quân dụng, ma túy, pháo, mại dâm, đánh bạc…), tám loại hạn chế (như rượu, thuốc lá, karaoke…) và đến 92 loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Đó là chưa kể nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư có danh mục lĩnh vực kinh doanh, đầu tư “có điều kiện”.

Tuy số lượng ngành, nghề có nhiều nhưng đặc điểm chung vẫn là “tản mạn, không ổn định, thiếu rõ ràng, thiếu tính khả thi, thiếu tính đồng bộ, nhất quán”! Tại sao phải quản lý ngành, nghề đó bằng điều kiện?

Yêu cầu không rõ ràng

Có những điều kiện được đặt ra khá mơ hồ. Ông Cung dẫn chứng về yêu cầu hoạt động giới thiệu việc làm phải có địa điểm và trụ sở ổn định, đặt ở nơi thuận tiện và đủ diện tích cho việc giao dịch và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy quy định là vậy nhưng không thể hiểu được “thuận tiện” là như thế nào và “đủ diện tích” là bao nhiêu mét vuông.

Thậm chí, có những điều kiện kinh doanh được đặt ra mà không rõ điều kiện đó phục vụ cho mục đích quản lý gì. Ví dụ, kinh doanh bất động sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong khá nhiều điều kiện thì có cả điều kiện về vốn pháp định sáu tỷ đồng. Bà Phan Ngọc Vân – Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) cho biết doanh nghiệp phải chứng minh có vốn sáu tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, tài khoản này chỉ phục vụ cho việc đăng ký kinh doanh, còn sau khi có giấy phép rồi thì không có ràng buộc nào về tài khoản này nữa. Chính vì vậy, từng có doanh nghiệp tốn cả trăm triệu đồng để chạy vạy mở tài khoản sáu tỷ đồng để đối phó với việc đăng ký kinh doanh. Sau khi được cấp phép thì doanh nghiệp “hô biến” tài khoản này.

Bà Vân cho rằng cần xem lại các điều kiện kinh doanh này. Nếu các điều kiện đó thực sự cần thiết, thực tế, phục vụ công tác quản lý, có thể hậu kiểm được… thì giữ lại, không thì nên bỏ điều kiện đó đi.

Sẽ bỏ được 50 ngành, nghề?

Việc rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh nói trên nhằm bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, sửa đổi các điều kiện kinh doanh không phù hợp. Quan trọng hơn, sẽ công bố những điều kiện kinh doanh hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2008.

Theo ông Cung, trong số 400 ngành nghề này, có khoảng 50 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không đủ tính hợp pháp. Đây là những ngành, nghề mà tên ngành nghề lẫn điều kiện kinh doanh đều được quy định trong thông tư hoặc quyết định của các bộ.

Theo Nghị định 139/2007 thì “ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh áp dụng theo các quy định của luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ”. Các quy định về loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đối với loại ngành nghề đó mà không nằm trong các loại văn bản kể trên sẽ bị hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2008.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM