8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ bắt đầu có hiệu quả
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm đang dần phát triển theo hướng tích cực. Sản xuất công nghiệp trong tình hình khó khăn, nhưng vẫn phát triển ổn định. Nông, lâm, ngư nghiệp đã khắc phục nhiều khó khăn về thiên tai dịch bệnh, giá cả tăng để đạt được kết quả tốt. Hoạt động xuất nhập khẩu từ tháng 7 đến nay tiếp tục theo chiều hướng thuận lợi cho cán cân thương mại; kim ngạch xuất khẩu tăng cao, trong khi kim ngạch nhập khẩu được duy trì ở mức ổn định, góp phần thu hẹp nhập siêu. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất từ trước đến nay (8 tháng đạt 47 tỷ USD). 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã bắt đầu có hiệu quả.

Cho đến thời điểm này, nỗi lo nhập siêu đã phần nào vơi bớt, khi trong tháng 8 này, nhập siêu chỉ ở mức 0,9 tỷ USD, tuy tăng 0,1 tỷ USD so với tháng trước, song đây là tháng thứ hai liên tiếp, nhập siêu ở dưới mức 1 tỷ USD – mức bình quân tháng cần thiết để nhập siêu cả năm chỉ bằng 30% kim ngạch xuất khẩu.

Nhờ nhập siêu giảm đáng kể trong 2 tháng gần đây, nên tổng nhập siêu 8 tháng đầu năm nay chỉ khoảng 15,965 tỷ USD, bằng 36,85% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 41,6% của tháng trước. Có được kết quả này là do, trong tháng 8/2008, cả nước đã xuất khẩu được 6,1 tỷ USD, tính chung 8 tháng đạt kim ngạch 43,3 tỷ USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, trị giá nhập khẩu trong tháng 8 là 7 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng 7, nâng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng lên 59,3 tỷ USD, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2007. Những kết quả trên cho thấy, rõ ràng, đã có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu. Đây có thể coi là một thành công đáng kể của một loạt biện pháp nhằm kiềm chế nhập siêu mà Chính phủ đã quyết liệt thực hiện trong những tháng qua.

Cùng với nhập siêu, đã có thể tạm yên tâm với vấn đề lạm phát, khi chỉ số CPI trong tháng 8/2008, bất chấp giá xăng dầu tăng mạnh trong tháng 7/2008, chỉ tăng 1,56% so với tháng trước. Trong khi đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, lãi suất đứng ở mức cao, tín dụng khó khăn, giá trị sản xuất công nghiệp trong 8 tháng qua vẫn tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Cho dù mức tăng này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, song có thể ghi nhận là một nỗ lực đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế phải chống chọi với nhiều khó khăn.

Bên cạnh những chỉ số về lạm phát, nhập siêu, sản xuất công nghiệp…, thì việc trong 8 tháng qua, Việt Nam đã thu hút mới 772 dự án, với 46,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bằng 79,2% về số dự án và tăng gấp 5 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh Việt Nam.

Vốn FDI giải ngân được trong 8 tháng đầu năm đạt trên 7 tỷ USD, tuy còn thấp hơn nhiều so với vốn đăng ký nhưng tăng tới 32,1% so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức cao nhất kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài đến nay. Cùng với con số này, cả nước còn tiếp nhận thêm 1,307 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giải ngân, góp phần giải tỏa áp lực lên cán cân thanh toán của nền kinh tế.

Có thể nói, những chỉ số kinh tế vĩ mô trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục thể hiện xu hướng ổn định dần của nền kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững còn hết sức nặng nề. Đặc biệt, hoạt động sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang chững lại, kém hiệu quả do thiếu vốn, chi phí đầu vào tăng cao và do áp lực cạnh tranh gay gắt sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Điều đó càng đòi hỏi sự nỗ lực lớn của tất cả các cấp, các ngành và các doanh nghiệp vì một tương lai sáng sủa hơn của nền kinh tế.

VIB Online