ADB dự báo tăng trưởng của VN năm 2008 là 7%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phát biểu trong buổi họp báo tại Hà Nội công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) và cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Ayumi Konishi cho biết, tác động từ “hai cơn bão” về lạm phát và suy giảm kinh tế toàn cầu và tình hình không ổn định của hệ thống tài chính thế giới sẽ khiến tăng trưởng của kinh tế Việt Nam chậm lại trong ngắn hạn ở mức 7% trong năm 2008 và dự kiến tăng trở lại mức 8,1% vào năm 2009.

Theo báo cáo ADO, sự chuyển đổi ổn định của Việt Nam sang nền kinh tế thị trường và sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đã đưa đất nước ta trở thành một trong những điểm thu hút đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực với 20,3 tỉ đô la Mỹ FDI cam kết trong năm 2007. Sự phát triển năng động của khu vực kinh tế tư nhân và FDI giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Châu Á với mức tăng trưởng 8,5% trong năm 2007 – năm đầu tiên Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Báo cáo cũng chỉ ra, sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, với sự hỗ trợ từ luồng vốn mạnh đã thúc đẩy tổng cầu tăng cao hơn cung, đã dẫn đến việc gia tăng tỷ lệ lạm phát năm 2007 và đầu năm 2008. Lạm phát ở Việt Nam đã tăng từ mức 6,6% tháng 12/2006 lên 15,7% trong tháng 2/2008 do biến động trượt giá của nhóm hàng lương thực thực phẩm và nhiên liệu cũng như tác động của thiên tai, dịch bệnh. ADB ước tính, nếu Chính phủ Việt Nam bình ổn được tình hình giá cả từ nay cho tới cuối năm, mức lạm phát năm 2008 sẽ giảm xuống khoảng 9,2%. ADB dự báo, cùng với giảm tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm xuống còn 18,7% thay vì 22% như dự báo đầu năm.

Giám đốc quốc gia ADB cho rằng, để duy trì được tiến trình tăng trưởng thì Việt Nam cần phải giải quyết hiệu quả hai “cơn bão”: lạm phát và suy giảm kinh tế toàn cầu. Sự phối hợp hiệu quả giữa một loạt các chính sách như thắt chặt tiền tệ, ngân sách, và các chính sách cẩn trọng về giá là những yếu tố cần thiết để đẩy lùi lạm phát. Ngoài ra Chính phủ cũng cần giảm tối thiểu những xáo trộn và gánh nặng đối với các ngân hàng và nền kinh tế nói chung.

Ông Konishi nhấn mạnh: “Tuy nhiên, triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và ngắn hạn rất sáng sủa”, so với sự giảm tốc của các nền kinh tế khác trong khu vực, “mức tăng trưởng 7% không phải là kém”.

Báo cáo ADO dự đoán mức tăng trưởng trung bình của các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á sẽ chậm lại, ở mức 5,7% trong năm 2008.

Theo ông Bahodir Ganiev, Chuyên gia Kinh tế quốc gia của ADB, nền kinh tế Việt Nam sẽ lại tăng tốc khi lạm phát giảm, kinh tế vĩ mô lấy lại tính ổn định và kinh tế toàn cầu khôi phục.

Nguồn: Báo điện tử Thương mại