Ai cứu doanh nghiệp dân doanh trước cơn “bão giá”?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khó khăn trên vai doanh nghiệp

Những khó khăn dồn dập về tiền tệ, tín dụng mà chỗ dừng cho đến nay vẫn chưa thấy rõ đang đè nặng trên vai DN.

Trước hết, đó là lạm phát tăng cao đến hai con số (năm 2007 tăng 12,63% và tháng 2/2008 tăng tới 15,67% so với cùng kỳ năm trước). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng do nhiều tác động bất lợi trong nước và nước ngoài, năm 2008 khó có thể giữ chỉ số giá cả ở mức một con số như mong muốn. Giá hàng loạt mặt hàng rất quan trọng như xăng dầu, sắt thép, phân bón, chất dẻo, giấy, sợi, bông… cho đến giá nguyên liệu nông sản đua nhau tăng, dẫn đến nguyên vật liệu đầu vào tăng đến 30 – 40%, phí vận tải cũng tăng, giá nhà đất bị đẩy lên đến mức phi lý…

Sau nữa là lãi suất tiền gửi đã lên đến 12%/năm dẫn đến lãi suất tiền vay lên đến 20% khiến nhiều DN phải giảm dự án đầu tư, kinh doanh, tuy mức đó là dành cho những khách hàng tốt nhất của ngân hàng thương mại, còn khách hàng mới chắc phải vay với lãi suất cao hơn, DNNVV càng khó có thể vay được. Ngân hàng thương mại cũng đang đứng trước bài toán làm sao có thể dùng tiền gửi ngắn hạn để cho vay dài hạn.

Đặc biệt là giá nhân công đang có xu hướng tăng, do giá lương thực, thực phẩm tăng cao, chi phí về nhà ở và đi lại đều tăng, đời sống của người lao động không thể dược duy trì với mức thu nhập như cũ. DNNVV đang thiếu nhân lực có kỹ thuật nay lại càng khó khăn.

Điều đó tất yếu dẫn đến giá thành sản phẩm, hàng hóa tăng và từ đó, sức cạnh tranh của sản phẩm, của DN có thể suy giảm, nếu DN không có biện pháp đối phó có hiệu lực. DN nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế được nhiều sự ưu ái, có thể yên tâm hơn vì được rót vốn đầu tư bằng những nguồn từ Nhà nước. Lại có những tập đoàn kinh tế nhà nước đang kinh doanh trong các ngành như than, thép, xăng dầu, dệt may… đáng lẽ cần tập trung vào ngành kinh doanh chính nhưng cũng mở ngân hàng, chơi chứng khoán, kinh doanh bất động sản với hi vọng thu được lợi nhuận cao. Còn DN dân doanh, nhất là DNNVV vốn đã có nhiều yếu kém, thì nay, khó khăn càng thêm chồng chất.

Vai trò của Nhà nước

Đương nhiên, DN dân doanh phải “tự cứu” mình trước đã, tránh một chiều ỷ lại vào Nhà nước. DN dân doanh phải chủ động thức hiện các giải pháp cần thiết và vừa sức để thích ứng với tình hình. Đó là những biện pháp về giảm mức tiêu hao nguyên vật liệu, về tổ chức lại sản xuất, tinh giản lao động nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đồng thời đẩy mạnh tiếp thị… là những biện pháp mà lâu nay DN đã từng áp dụng, nay cần đẩy lên khẩn trương hơn. Nhiều DN cho biết: vì sự sống còn của DN, họ không thể không áp dụng các biện pháp đó một cách quyết liệt, khẩn trương từng ngày, từng giờ.

Song lúc này, vai trò điều hành của Nhà nước có ý nghĩa và tác dụng cực kỳ quan trọng nhằm giúp DN dân doanh. Trong thực tế, từ nhiều tháng nay, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã áp dụng hàng loạt biện pháp với nỗ lực kiềm chế lạm phát… mà Công văn số 319/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ là minh chứng.

Xin được nói thêm về vốn đầu tư – một kênh khá lớn đang cung tiền ra xã hội. Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007 chiếm tới 40,8% GDP, năm 2008 dự kiến 567 nghìn tỷ đồng, chiếm 42% GDP, được coi là khá lớn. Đầu tư bằng vốn của khu vực kinh tế nhà nước còn chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư (năm 2006 là 46,4%) trong đó vốn đầu tư của DN nhà nước chiếm khoảng 17%. Vốn đầu tư quá lớn lại kém hiệu quả (hệ số ICOR lên đến 4,7 – 5) là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến lạm phát. Chính vì vậy cần phải soát xét lại nguồn vốn này; thu hẹp hoặc giảm bớt những dự án kém hiệu quả. Song đây là việc không đơn giản, bởi vì trước khi đầu tư, dự án nào cũng đã có phương án giải trình trong đó tính toán, phân tích hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế và xã hội như mong muốn của lãnh đạo. Vì vậy, cần soát xét một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch, không thể bị ảnh hưởng bởi một nhân tố nào ngoài kinh tế.

Thiết nghĩ, DN dân doanh, DNNVV, có hai loại vấn đề cần được quan tâm.

Trước hết, trong thiết kế chính sách, rất nên quan tâm đến đối tượng thi hành là DN dân doanh, nhất là DNNVV. Ví dụ như trong việc siết chặt tiền tệ, hạn chế cho vay, không nên thi hành nhất loạt mà cần tính đến những nhu cầu thực sự cần thiết của DNNVV… Một khó khăn khác của DNNVV là đất đai khi giá đền bù giải phóng mặt bằng lên cao ngất ngưởng, thủ tục thuê đất còn rườm rà, DNNVV còn vất vả hơn trước rất nhiều, chi phí cũng tăng, buộc nhiều DNNVV phải thu hẹp kinh doanh hoặc không mở rộng như dự kiến. Vì vậy, DNNVV cần được sự giúp đỡ của các UBND địa phương trong việc chỉ đạo, phối hợp các cơ quan chức năng để DNNVV tìm được đất làm mặt bằng với chi phí thấp và thủ tục nhanh gọn hơn nữa.

Các cơ quan nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ tiếp những loại “giấy phép con” đang xuất hiện dưới nhiều hình thức biến tướng… Cán bộ, công chức hành chính cũng như nhân viên cơ quan chức năng cần gần DN, thấu hiểu khó khăn của DN dân doanh, nhất là DNNVV, cùng DN tháo gỡ khó khăn với tinh thần “bạn đồng hành” của DN. Đây là yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính đã được đề ra từ lâu, song việc thực hiện quá chậm chạp. Nay là dịp để đẩy mạnh hơn nữa và góp phần giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc cho DN dân doanh, góp phần chống lạm phát.

Nguồn:  Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp