Áp dụng văn bản trong vụ việc truy thu thuế của Công ty Grobest: Lúng túng và chồng chéo???
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cty TNHH Grobest vào Việt Nam theo Giấy phép đầu tư số 42/GP-KCN-ĐN tháng 4/2000 với 2 chức năng hoạt động sản xuất kinh doanh: “toàn bộ sản phẩm thuỷ, hải sản đông lạnh để XK và sản phẩm thức ăn cho tôm, cá được tiêu thụ tại thị trường VN và XK. DN được miễn thuế TNDN 4 năm kể từ khi kinh doanh có lợi nhuận và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo. Thuế suất TNDN của DN nộp cho nhà nước Việt Nam là 10%”.

Những công văn “ngược” nhau

Chỉ là vấn đề thuế TNDN của Cty Grobest nhưng thời gian vừa qua đã có tới 4 công văn hướng dẫn từ Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế với những nội dung khác nhau thậm chí đến mức trái ngược nhau về quan điểm tính thuế. Ban đầu là Công văn số 735 ngày 19/1/2005 của ông Phạm Văn Hiển – Phó vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tiếp tục khẳng định Cty Grobest được áp dụng mức thuế như giấy phép đầu tư. Kế đến là Công văn số 10385 ngày 18/8/2005 của một Phó vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại khác là ông Vũ Xuân Hiểu hướng dẫn Cty Grobest được áp dụng chính sách khuyến khích ưu đãi mới cao hơn mức cũ. Theo đó, Grobest được áp dụng mức miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% thuế trong 7 năm tiếp theo với thuế suất 10%.

Đến ngày 6/12/2007, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phạm Duy Khương lại có Công văn số 5080. Theo đó, Cty Grobest được hưởng mức ưu đãi thuế TNDN gộp cho cả 2 chức năng chế biến thức ăn cho tôm, cá và chế biến thuỷ, hải sản XK kể từ khi có lãi (không phân biệt chức năng nào hoạt động trước, hoạt động sau). Mức thuế được áp dụng là miễn 3 năm và giảm 50% của 7 năm tiếp theo, thuế suất 10%.

Nhưng cũng chỉ 2 tháng sau, ngày 5/2/2008, lại một Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – bà Vũ Thị Mai có Công văn số 793. Theo đó, Grobest sẽ phải tách 2 chức năng chế biến thức ăn tôm, cá và chế biến thuỷ, hải sản XK. Hoạt động chế biến thức ăn cho tôm, cá chịu thuế suất 15% và chỉ được miễn thuế 2 năm. Hoạt động chế biến thuỷ, hải sản XK được miễn 4 năm, giảm 50% trong 4 năm. Với các công văn này, Cục thuế Đồng Nai – cơ quan quản lý thuế trực tiếp của Cty Grobest đều nhất nhất tuân theo và cuối cùng đã đưa ra 2 quyết định truy thu trên 36 tỷ đồng thuế đối với Grobest.

Những lý do truy thu khó hiểu

Giải thích việc áp dụng truy thu thuế theo CV số 793 của Tổng cục Thuế, ông Phạm Văn Minh – Cục phó Cục Thuế Đồng Nai cho rằng, cơ quan thuế đã căn cứ vào hoạt động thực tế của Grobest. Và trên thực tế, cơ quan thuế đã tự cho mình cái quyền “tước bỏ” ưu đãi đầu tư trong giấy phép đầu tư của Grobest.

Lý do đầu tiên mà cơ quan thuế “tước bỏ” ưu đãi đầu tư của Grobest là DN này đã không hoạt động 2 chức năng cùng một lúc. Nhưng trên giấy phép đầu tư thì hoàn toàn không có điều kiện 2 chức năng này phải hoạt động song song. Hơn nữa, nguyên nhân của việc 2 chức năng này không hoạt động song song lại hoàn toàn do Ban Quản lý KCN Amata. Thực tế trong quá trình mời gọi đầu tư, cấp phép và chuẩn bị triển khai dự án, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai và KCN Amata luôn đồng ý cho Cty Grobest được hoạt động cả 2 chức năng chế biến thức ăn cho tôm, cá và chức năng chế biến thuỷ, hải sản đông lạnh XK. Tuy nhiên, khi Cty Grobest bắt đầu triển khai xây dựng nhà xưởng tại KCN Amata, Ban Quản lý KCN Amata đã không chấp nhận cho DN này được chế biến thuỷ, hải sản đông lạnh XK tại đây với lý do ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Grobest chỉ được xây dựng khu chế biến thức ăn cho tôm, cá tại Amata và nhà máy đã đi vào hoạt động có lãi từ năm 2001.


Từ những văn bản mang tính pháp lý của những cơ quan có trách nhiệm nhưng lại đá nhau và không tuân thủ theo pháp luật đã đẩy việc thu thuế cho Nhà nước trở nên rối như gà mắc tóc. DN hoàn toàn chịu trận là một chuyện nhưng môi trường đầu tư bị ảnh hưởng là chuyện lớn hơn.


Đối với chức năng còn lại, DN phải tìm đến KCN Bạc Liêu vì ở đó vấn đề mùi không ảnh hưởng tới các DN khác, lại gần vùng nguyên liệu. Song, trở ngại tại đây là nền đất yếu. DN phải tốn khá nhiều tiền và thời gian để khắc phục lún, nứt nên thời gian đi vào hoạt động bị chậm lại tới năm 2004. Cả Ban quản lý các KCN Đồng Nai và cơ quan thuế đều biết lý do này, nhưng vẫn làm ngơ và đẩy trách nhiệm về phía DN.

Vị đại diện cơ quan thuế Đồng Nai còn cho rằng, vì Grobest không hoạt động 2 chức năng song song nên cơ quan thuế phải căn cứ vào tình hình thực tế là DN này đã không XK trên 80% tổng sản phẩm và truy thu thuế. Tuy nhiên, căn cứ này cũng không hề có trong giấy phép đầu tư. Trong đó chỉ có điều kiện “toàn bộ sản phẩm thuỷ, hải sản đông lạnh để XK và sản phẩm thức ăn cho tôm, cá được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và XK”.

Tính thuế “tận thu”?

Ngoài ra, theo CV 793, Grobest chỉ được miễn thuế 2 năm đối với hoạt động chế biến thức ăn cho tôm, cá mà không hề có giảm thuế. Nhưng theo quy định của Nghị định 24/2000 ngày 31/7/2000, tất cả các DN đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (tỉnh Đồng Nai nằm trong danh mục này) đều được hưởng ưu đãi miễn 2 năm và giảm 50% thuế trong 3 năm tiếp theo.

Hơn nữa, theo Nghị định 152/2004 và Thông tư 88/2004 thì ít nhất chức năng chế biến thức ăn cho tôm, cá của Grobest cũng được hưởng mức ưu đãi miễn 2 năm và giảm 7 năm tiếp theo. Bởi vì Cty Grobest là DN đầu tư vào KCN nhưng không hiểu vì lý do gì mà Cty Grobest lại được áp riêng một mức thuế “đặc biệt”.

Như vậy, chỉ vì những lý do khách quan và của chính KCN Amata, Cty Grobests đã “được” các cơ quan như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Ban quản lý các KCN Đồng Nai đẩy dần vào chân tường, áp một mức thuế “đặc biệt” mà không hề căn cứ vào giấy phép đầu tư. DN vừa phải chịu thêm chi phí đầu tư, chậm tiến độ sản xuất kinh doanh, mất thị phần lại bị truy thu thuế.

Ông Phạm Văn Cường – Trưởng phòng Quản lý đầu tư Ban quản lý các KCN Đồng Nai: Ban quản lý KCN cấp phép đúng luật

Khi gửi hồ sơ xin cấp giấy phép, DN có đề nghị được hưởng miễn 2 năm thuế TNDN và giảm 3 năm tiếp theo. Tuy nhiên, Ban quản lý các KCN Đồng Nai đã cấp Giấy phép đầu tư số 42/GP-KCN-ĐN ngày 12/4/2000 cho Cty TNHH Grobest được miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% thuế 4 năm thuế suất 10% là hoàn toàn đúng pháp luật. Căn cứ vào Nghị định số 12/1997/CP và Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg quy định về khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài, Cty Grobest hoạt động tại KCN Amata Đồng Nai có 2 chức năng chế biến thức ăn cho tôm cá tiêu thụ nội địa và XK, chế biến thuỷ hải sản đông lạnh XK 100% nên được hưởng mức thuế ưu đãi trên. Chế biến thức ăn cho tôm cá ở đây được hiểu là đáp ứng yêu cầu chế biến thuỷ hải sản đông lạnh XK.

Cty Grobest đã hoạt động cả 2 chức năng như giấy phép nhưng chức năng chế biến thức ăn cho tôm, cá hoạt động có lãi từ 2001 còn chế biến thuỷ, hải sản đông lạnh XK năm 2004 mới thực hiện nên đã bị truy thu thuế TNDN. Cty Grobest phải thực hiện cả 2 chức năng vào cùng một thời điểm thì mới được hưởng ưu đãi như giấy phép.

Còn thực tế do khách quan nên Grobest đã triển khai chức năng chế biến thuỷ, hải sản chậm hơn 3 năm thì cũng cần xem xét nếu DN có đơn đề nghị.

Ông Phạm Văn Minh – Cục phó Cục Thuế Đồng Nai: “Cấp dưới phải phục tùng cấp trên”

Ban Quản lý cấp giấy phép đầu tư cho Cty Grobest như vậy là đúng, chỉ có DN thực hiện sai giấy phép. DN đã hoạt động 2 chức năng không song song. Do vậy, chúng tôi phải căn cứ vào luật để áp dụng mức miễn giảm thuế TNDN đối với DN. Luật quy định, DN phải thực hiện XK trên 80% tổng sản phẩm mới được áp dụng mức thuế suất đặc biệt ưu đãi (miễn 4 năm, giảm 50% của 4 năm tiếp theo với thuế suất 10%).

Đúng là vì lý do ô nhiễm nên Ban quản lý KCN Amata đã không chấp nhận cho Cty Grobest được chế biến thuỷ, hải sản đông lạnh XK tại đây nhưng đó là việc giữa Ban quản lý KCN Amata và DN chứ đâu phải lỗi do chúng tôi. Chúng tôi phải tuân theo những hướng dẫn của cơ quan cấp trên và chỉ tuân theo giấy phép đầu tư nếu DN thực hiện đúng giấy phép.

Tất cả các văn bản trả lời chính sách thuế của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế từ trước đến nay đều mang tính hướng dẫn chung. Nếu thấy có gì vướng mắc chúng tôi sẽ có công văn hỏi. Nhưng trường hợp này tôi không bình luận. Chúng tôi là cấp dưới phải tuân theo hướng dẫn của cấp trên.

Ông Lin Hsien Yu – Giám đốc Cty Grobest: Sẽ khởi kiện ra toà hành chính

Từ một DN kinh doanh cùng lĩnh vực như chúng tôi định đầu tư tại Việt Nam nhưng không thực hiện, chúng tôi đã xin hồ sơ nộp vào Ban quản lý các KCN Đồng Nai. Mặc dù, không có cơ quan tư vấn nào hỗ trợ pháp lý nhưng Ban quản lý các KCN cấp Giấy phép đầu tư khá nhanh chóng. Sau khi được cấp giấy phép, tôi mới bay sang VN để đầu tư xây dựng dự án.

Khi cấp phép cả Ban quản lý các KCN Đồng Nai và Ban quản lý KCN Amata Đồng Nai đều đồng ý cho phép chúng tôi thực hiện 2 chức năng chế biến thức ăn cho tôm, cá và chế biến thuỷ, hải sản đông lạnh XK tại Amata. Tuy nhiên, khi chúng tôi bắt đầu triển khai, Ban quản lý KCN Amata lại không đồng ý cho chúng tôi xây dựng nhà máy chế biến thuỷ hải sản đông lạnh XK tại đây với lý do ô nhiễm môi trường KCN. Vì vậy, chúng tôi chỉ xây dựng được nhà máy chế biến thức ăn cho tôm cá tại Amata và đã có lãi ngay năm đầu tiên (năm 2001).

Đối với chức năng chế biến thuỷ, hải sản, chúng tôi đã tìm được KCN Bạc Liêu. Cuối cùng đến năm 2004 chức năng chế biến thuỷ, hải sản đông lạnh XK cũng đi vào hoạt động. Ngay năm hoạt động đầu tiên, chúng tôi đã XK trên 200 tỷ đồng thuỷ, hải sản đông lạnh. Đến nay, chúng tôi đã XK gần 400 tỷ đồng/năm. Cuối cùng chúng tôi cũng phải di dời nốt chức năng còn lại từ Amata xuống KCN Biên Hoà II. Tất cả những thiệt hại về tài chính cũng như tiến độ đối với bạn hàng do việc di dời trên đáng ra cần được hỗ trợ thì nay lại bị truy thu thuế lên tới trên 36 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ khiếu nại theo thủ tục. Nếu không được chấp nhận, chúng tôi sẽ kiện ra toà hoặc trọng tài quốc tế.

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp điện tử