Áp lực đè nặng lên giải ngân vốn đầu tư công
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm 2021 đạt chưa tới 30% kế hoạch đang dồn sức ép lên những tháng cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch Chính phủ giao.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch Chính phủ giao. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 3 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, trong nhiều nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công “ì ạch”, có nguyên nhân do một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện, nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu, nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm, trong đó nổi cộm là công tác giải phóng mặt bằng…

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, tổng nguồn vốn đầu tư công của nền kinh tế năm nay khoảng 20,7 tỷ USD (khoảng 477.000 tỷ đồng). Do 6 tháng đầu năm mới chi được khoảng 5,8 tỷ USD, nên 6 tháng còn lại của năm 2021, sẽ phải giải ngân gần 15 tỷ USD, tức là 343.000 tỷ đồng. “Như vậy, 6 tháng cuối năm phải giải ngân mức vốn đầu tư công gần gấp 3 con số đã giải ngân nửa đầu năm. Đây sẽ là thách thức lớn”, ông Bình nêu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, một trong những lý do khiến dự án đầu tư công năm 2021 chậm do giá thép và giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng khác tăng cao; nếu không có chính sách và giải pháp kịp thời, phù hợp thì khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được đặt ra.

Còn ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giải ngân đầu tư công là câu chuyện đáng lưu ý trong 6 tháng đầu năm 2021. Đây là vấn đề mà các nhà thầu “than” rất nhiều.

“Thực tế, một số địa phương đã có biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư, như điều chỉnh giá hay đàm phán lại… Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn phải tùy từng dự án, từng điều kiện cụ thể, chứ chưa có khuôn khổ chung cho điều chỉnh dự án”, ông Nguyễn Anh Dương cho biết.

Chuyên gia CIEM kỳ vọng, trong thời gian tới, khi các bộ, ngành kiện toàn bộ máy, khi khơi thông được trách nhiệm của người ra quyết định và xử lý được các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, thì tác động của giải ngân đầu tư công tới tăng trưởng kinh tế là rất tích cực.

Hơn nữa, giải quyết được vấn đề tăng giá cả đầu vào và thúc giải ngân đầu tư công sẽ giúp cải thiện năng lực sản xuất, mà rộng ra là vấn đề tổng cung. Khi đó, câu chuyện áp lực tăng giá không chỉ đến từ tổng cầu, mà khi tổng cung thay đổi, thì tương quan cung – cầu cũng có điều chỉnh và áp lực lạm phát sẽ giảm bớt.

Các phân tích của Fitch Solutions (thuộc Tập đoàn Fitch) vẫn bày tỏ sự lạc quan về giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam trong năm 2021 với kỳ vọng tăng tốc. “Tình trạng gián đoạn đầu tư công trong năm 2021 khó có thể nghiêm trọng như năm 2020 do áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, sự chậm trễ trong nhập khẩu thiết bị sản xuất, giải phóng mặt bằng và tái định cư”, Fitch Solutions đánh giá.

Ngoài ra, việc thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư từ ngày 1/1/2021 sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho tiến độ các dự án đầu tư công.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!