Australia sẽ đầu tư trọng điểm vào Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Tại cuộc họp, hai phía Việt Nam và Australia đã rà soát, đánh giá quan hệ hợp tác giữa hai nước, trao đổi và đề xuất các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo; Phát triển cơ sở hạ tầng; Môi trường; Tài nguyên và năng lượng.

Bên cạnh đó, nội dung tiếp cận thị trường cũng được hai phía bàn thảo nhằm giải quyết những vấn đề có thể nảy sinh trong quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước, đồng thời, trao đổi về những biện pháp nhằm tăng cường lợi ích và vai trò của Việt Nam và Australia trong hợp tác khu vực và trên thế giới. Càng đặc biệt hơn nữa khi mà 2 nước đã nhất trí thiết lập quan hệ “Đối tác toàn diện” vào năm 2009 và đang cùng tham gia trong nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương như WTO, APEC, ASEAN… cũng như đang cùng tham gia đàm phán các Hiệp định hợp tác khu vực như TPP.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bùi Quang Vinh: Ủy ban Kinh tế hỗn hợp là kênh đối thoại quan trọng và hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, nhất là khi thương mại 2 chiều giữa hai nước đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây.

Thống kê của Tổng Cục Hải quan cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều là 3,13 tỷ USD, tăng gần 21,96% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt 1,78 tỷ USD tăng 2,07% và nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 1,35 tỷ USD tăng 64,13%. Còn tính tới thời điểm tháng 11, xuất khẩu của Việt Nam sang Australia là 2,36 tỷ USD, nhập khẩu hơn 1,96 tỷ USD, xuất siêu 400 triệu USD, sản phẩm nhiều nhất là dầu thô, còn lại là thủy sản, điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, da giầy, nông lâm thủy sản… Việt Nam nhập lúa mì, đá và kim loại quý, kim loại thường, sắt thép các loại

Cùng với quan hệ thương mại, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bùi Quang Vinh các Chương trình, dự án đầu tư, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Australia luôn được đánh giá cao ở sự hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, mục tiêu, kế hoạch phát triển của Việt Nam.

Cụ thể, đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam vẫn duy trì được mức tương đối ổn định qua các năm. Tính đến tháng 11/2011, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của Australia vào Việt Nam là 1,3 tỷ USD, gồm 255 dự án, xếp thứ 21/94 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Kim ngạch thương mại 2 chiều, tăng trưởng mạnh 10% trung bình hàng năm.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Chính phủ Australia luôn duy trì mức viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam tăng đều qua các năm. Năm tài chính 2010/2011 mức viện trợ của Australia dành cho Việt Nam đạt gần 139 triệu USD. Về phía mình, Bộ trưởng Thương mại Australia – Craig Emerson đánh giá Việt Nam có lợi thế dân số vàng trong những năm tới và Australia mong muốn hợp tác trong lĩnh vực giáo dục cho lớp dân số trẻ này từ dạy nghề cho đến đào tạo ở các cấp cao hơn.

Đáp ứng yêu cầu của Việt Nam, mới đây Chính phủ Australia đã cam kết tăng số học bổng ADS dành cho Việt Nam lên mức 225 suất học bổng/năm và đặc biệt phía Australia đã cam kết tài trợ không hoàn lại 160 triệu AUD để thực hiện dự án Kết nối Khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long.

Đánh giá về thương mại hai chiều, Bộ trưởng Thương mại Australia cho rằng kim ngạch hai chiều tăng nhanh cũng là cơ sở không chỉ để tăng về số lượng để mở rộng đa dạng sang các lĩnh vực khác. Chính phủ Australia cam kết mạnh mẽ sẽ mở rộng sâu rộng hơn nữa sự hiện diện tại châu Á, coi đây là khu vực tiềm năng… Tuy nhiên, thay vì đầu tư dàn trải, Chính phủ Australia sẽ có chính sách tập trung vào trọng điểm. Và Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia để nước này tăng cường sự hợp tác phát triển.

(T.Hương)
Nguồn: Tạp chí Tài chính điện tử