Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch thương mại – dịch vụ tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2007
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PHẦN I. XUẤT NHẬP KHẨU

1. Xuất khẩu:

Ước thực hiện xuất khẩu tháng 10 năm 2007 đạt 4,2 tỷ USD, tăng 11,4% so với tháng 9 năm 2007, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 1,7 tỷ USD.

10 tháng đầu năm 2007 xuất khẩu đạt 39,06 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2006. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 15,6 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2006.

Một số nhận xét về tình hình xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2007:

Đa số các mặt hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2006, trong đó hàng dệt may (+31,1%), sản phẩm gỗ (+22,4%), hàng vi tính và linh kiện (+22,9%), dây điện và dây cáp điện (+25,8%), vali túi xách ô dù (+24,4%), giày dép (+9,9%), thủy sản (+10,8%), cà phê (tăng 42,6%), rau quả (+15,1%)…

Các mặt hàng xuất khẩu giảm bao gồm dầu thô (-9,9% về lượng và -5% về giá trị); gạo (-4%), cao su (-0,9%).

Về thị trường xuất khẩu, thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam là Mỹ (tỷ trọng 21%), EU (tỷ trọng 19%), Nhật Bản (tỷ trọng 11,8%). Ước xuất khẩu vào thị trường EU tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2006; xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng gần 26%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng gần 6%..

(Xem biểu số liệu đính kèm).

2. Nhập khẩu:

Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 năm 2007 ước đạt 5,25 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng 9.

Tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2007 đạt 47,98 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2006, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 17,27 tỷ USD, tăng 28,6%.

Đa số các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm 2006, trong đó xăng dầu (+12,1%), sắt thép (+28,6%), phân bón (+10,9%), hóa chất các loại (+33,8%), máy móc thiết bị (+57,8%), vải (+34,5%), tân dược (+27,6%)…

Về thị trường nhập khẩu, 5 đối tác lớn nhất xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam là Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trị giá hàng hóa nhập khẩu từ 5 thị trường này chiếm hơn 50% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Ước nhập siêu 10 tháng ở mức 8,9 tỷ USD, bằng 22,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mức nhập khẩu và nhập siêu của 10 tháng đầu năm 2007 tăng cao so với cùng kỳ năm 2006 chủ yếu do tăng nhập khẩu hàng máy móc thiết bị và nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất.

(Xem biểu số liệu đính kèm).

Lưu ý một số giải pháp trong năm 2007 trong lĩnh vực xuất nhập khẩu:

– Xây dựng hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp định chế quốc tế đối với hàng nhập khẩu để bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, góp phần hạn chế nhập siêu. Tiếp tục triển khai một số công cụ quản lý nhập khẩu mới phù hợp với quy định của WTO như hạn ngạch thuế quan, thuế tuyệt đối.

– Coi trọng công tác thông tin, dự báo phân tích thị trường, nắm bắt nhanh các chủ trương, chính sách, đối sách của các nước đối tác. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại. Khi tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu một mặt hàng nào đó vào một thị trường cụ thể (như Mỹ, EU) đứng ở mức cao, cần cảnh báo doanh nghiệp kịp thời về khả năng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối tác.

– Thúc đẩy, vận động tiêu chuẩn hóa và công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác thương mại nước ngoài, đặc biệt đối với những bạn hàng lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống kiểm dịch nhằm tránh thiệt hại cho hàng xuất khẩu Việt Nam từ các hàng rào bảo hộ hiện đại, từ đó gia tăng số lượng xuất khẩu.

PHẦN II. THƯƠNG MẠI NỘI ĐỊA

Tháng 9 và những ngày đầu tháng 10, hoạt động thương mại phải đối mặt với những ảnh hưởng lớn do tình hình thiên tai tại nhiều tỉnh trong cả nước. Hiện nay, do ảnh hưởng của bão, nhiều tỉnh ở khu vực miền Bắc và miền Trung vẫn đang trong tình trạng khắc phục thiệt hại, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến giá lương thực, thực phẩm tại thị trường trong nước tiếp tục có chiều hướng tăng lên.

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá nhiều nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục giữ ở mức cao. Đặc biệt trong tháng qua, giá dầu thô đã tăng lên mức kỷ lục. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu về nhiên liệu tăng cao trong những tháng cuối năm, trong khi đó nguồn cung tại các nước xuất khẩu dầu hạn chế. Bên cạnh đó, sự căng thẳng về chính trị tại Iran đã khiến giá dầu thế giới khó có không thể giảm xuống.

1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ

Mặc dù phải đối mặt với những tác động không nhỏ từ thị trường trong và ngoài nước, song nhìn chung hoạt động thương mại trong nước tháng 10 vẫn rất khả quan. Điều này thể hiện ở tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của tổng mức lưu chuyển hàng hoá trên thị trường.

Theo đánh giá, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ xã hội tháng 10 tăng khoảng 2,3% so với tháng trước, tương đương với giá trị khoảng 63.472 tỷ đồng. Như vậy, liên tục trong những tháng gần đây, tổng mức lưu chuyển hàng hoá luôn đạt mức tăng trưởng khá cao. Sau 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ ước đạt 583.791 và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước.

(Số liệu của Tổng cục Thống kê)

2. Tình hình thị trường một số mặt hàng thiết yếu

* Xăng dầu

Tháng 10, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và tăng đột biến, có thời điểm lên đến mức kỷ lục 83,7 USD/thùng. Theo dự báo của các nhà phân tích thị trường dầu thế giới, khả năng giá dầu thô sẽ đạt mức trung bình 85 USD/thùng trong thời gian tới và có thể leo thang lên mức 95 USD/thùng vào cuối năm 2008.

Dự kiến giá dầu thô quý IV/2007 sẽ dao động ở mức bình quân 80 USD/thùng. Do đó, dự kiến từ nay cho đến cuối năm, giá bán lẻ xăng sẽ vẫn giữ ở mức như hiện nay.

Lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 10 ước thực hiện đạt 1 triệu tấn, luỹ kế từ đầu năm đến nay đạt 10,376 triệu tấn tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 84,4% kế hoạch năm 2007.

Khối lượng dầu thô xuất khẩu tháng 10 ước đạt 1,270 triệu tấn, tăng 15% so với tháng 9/07, luỹ kế từ đầu năm đến nay ước đạt 12,446 triệu tấn, tương đương với 71,1% kế hoạch xuất khẩu năm 2007.

* Sắt thép

Thị trường thép thế giới trong tháng qua khá ổn định. Mặc dù nhu cầu về thép xây dựng ở các thị trường lớn trên thế giới vẫn ở mức cao, song do các nước xuất khẩu vẫn đảm bảo nguồn cung, do vậy không có nhiều biến động về giá đối với mặt hàng vật liệu quan trọng này. Sau những thay đổi về chính sách xuất khẩu phôi thép, cho đến nay, giá phôi thép Trung Quốc xuất khẩu đã dần trở lại ổn định, tuy vẫn ở mức cao. Hiện nay, giá phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn duy trì ở mức trên dưới 590 USD/tấn.

Tại các thị trường lớn trên cả nước, hiện nay mặt bằng giá thép xây dựng vẫn duy trì ở mức cao. Nguyên nhân là do áp lực về cầu thép cho các công trình xây dựng cơ bản trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, do có sự điều hành tốt của các Bộ, ngành liên quan, giá thép trong nước không có những biến động lớn. Tuy nhiên do tác động của cung – cầu trên thị trường, giá thép vẫn tăng nhẹ và duy trì ở mức khoảng 9,8 – 10,2 triệu đồng/tấn.

Để đáp ứng nhu cầu trong nước, khối lượng nhập khẩu phôi và thép thành phẩm tháng 10 đã tăng đáng kể so với tháng trước. Lượng phôi thép nhập khẩu tháng 10 ước đạt 200 nghìn tấn, tăng 12% so với tháng trước. Như vậy, sau 10 tháng đầu năm, lượng phôi thép nhập khẩu ước đạt 1,744 triệu tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2006 và đạt 2/3 kế hoạch năm. Không chỉ phôi thép, khối lượng nhập khẩu thép thành phẩm trong những tháng qua cũng tăng khá. Lượng thép thành phẩm nhập khẩu tháng 10 ước đạt 400 nghìn tấn, cao hơn 1 chút so với lượng nhập khẩu tháng trước. Tính chung sau 10 tháng, lượng thép thành phẩm nhập khẩu ước đạt 4,288 triệu tấn, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm 2006.

* Xi măng

Tháng 10, do thời tiết thuận lợi hơn cho hoạt động xây dựng nên lượng xi măng tiêu thụ tăng nhẹ so với tháng trước, ước đạt 3,1 triệu tấn. 10 tháng đầu năm lượng xi măng tiêu thụ ước đạt 29,85 triệu tấn, bằng 83,85% kế hoạch năm.

Trên thị trường, giá bán xi măng tiếp tục ổn định, tại miền Bắc giá bán phổ biến từ 770.000 đồng đến 835.000 đồng/tấn, tại miền Nam từ 880.000 đồng đến 1.000.000 đồng/tấn, tuỳ thuộc vào chủng loại và địa bàn bán lẻ.

Trong các tháng còn lại của năm, nhu cầu tiêu thụ xi măng tiếp tục tăng cao, căn cứ vào khả năng sản xuất thực tế cũng như lượng xi măng và clinker còn dự trữ, dự báo sản lượng xi măng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ với giá cả ổn định.

* Phân bón

Do tác động của giá phân urê thế giới tăng cao (khoảng 330-360 USD/tấn) nên giá bán phân urê trên thị trường trong nước tại một số địa bàn đã tăng từ 100-300 đồng/kg, phổ biến ở mức 5.000-5.700 đồng/kg tuỳ chủng loại và địa bàn. Để phù hợp với mặt bằng giá thế giới, đảm bảo nguồn hàng nhập khẩu, giá bán phân urê của Nhà máy phân đạm Hà Bắc và Phú Mỹ đã được điều chỉnh tăng: Đạm Phú Mỹ 4.800 đồng/kg; Đạm Hà Bắc 4.620 đồng/kg.

Tháng 10, lượng phân urê nhập khẩu ước đạt 65 nghìn tấn, tăng 20,4% so với tháng trước, 10 tháng lượng phân urê nhập khẩu ước đạt 519 nghìn tấn, bằng 51,9% kế hoạch năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu phân urê cho vụ Đông Xuân ước khoảng 870 nghìn tấn (trong đó miền Bắc 280 nghìn tấn, miền Trung 110 nghìn tấn và miền Nam 480 nghìn tấn). Với lượng tồn kho tính đến 30/9 khoảng 150 nghìn tấn, sản xuất trong nước 3 tháng cuối năm đạt khoảng 240 nghìn tấn và lượng nhập khẩu trung bình 50-60 nghìn tấn/tháng, dự báo lượng phân urê cung ứng đủ cho nhu cầu sản xuất vụ Đông Xuân.

Theo Vụ Thương mại và dịch vụ – Bộ Kế hoạch và Đầu tư