Bất cập thuế nhập khẩu thuỷ sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Từ câu chuyện xương, da và đầu cá nhập khẩu…
Công ty CP dịch vụ và xuất nhập khẩu Hạ Long (Ha Long simexco – Hải Phòng) là doanh nghiệp (DN) chuyên thực hiện gia công các mặt hàng thuỷ sản cho đối tác tại Nhật Bản. Các hợp đồng gia công được thực hiện theo nguyên tắc, mỗi đơn hàng sẽ được xác lập theo từng tháng. Theo đó, Hạ Long simexco nhập khẩu nguyên liệu, rồi đăng ký định mức gia công với cơ quan hải quan (theo quy định của quy trình thủ tục hải quan đối với hàng gia công) và xuất sản phẩm.

Cụ thể đối với cá hồi đông lạnh nguyên con, DN sẽ thu được 2 miếng fillet (60%), thịt vụn 2%. Phần phế phẩm còn lại (chiếm tới hơn 30%) là xương sống, diềm bụng, vây, da, đầu. Tỷ lệ hao hụt đối với việc sửa miếng fillet là 2,5% và hao đông là 4%. Cơ quan hải quan sẽ căn cứ vào định mức đó để theo dõi việc nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm của DN.

Rắc rối nảy sinh sau khi sản phẩm sẽ được DN xuất khẩu, nhưng phế phẩm thì… không biết xử lý thế nào. Lấy đầu cá hồi làm ví dụ, nếu DN bán trên thị trường, theo quy định, DN phải nộp thuế nhập khẩu theo mức thuế nhập khẩu nguyên liệu. Như vậy, nếu DN bán đầu cá ra thị trường nội địa, cơ quan hải quan sẽ tính thuế, căn cứ trọng lượng đầu cá với mức thuế suất nguyên liệu. Đương nhiên, sẽ chẳng ai đồng ý nộp thuế đầu cá (phần được coi là phế liệu) bằng với mức thuế của cá nguyên con. Và thế là DN đành phải để phần còn thừa này lại trong kho lạnh bởi “chẳng biết làm gì”.

Ông Đỗ Ninh, Tổng giám đốc Hạ Long simexco cho biết, nếu chỉ tính phần đầu chiếm 10% trọng lượng nguyên liệu, cộng với đầu của các loại cá khác, thì mỗi năm con số phế phẩm được lưu trong trong kho của công ty cũng hàng chục tấn. Đây là số lượng quá lớn so với mức độ “chịu đựng” đối với các kho của DN. “Để huỷ được lượng lớn phế phẩm này cũng không phải dễ đối với DN. Chúng tôi phải mời cơ quan hải quan, cơ quan quản lý môi trường đến khi có ý định huỷ. Song đây là một thủ tục gây phiền hà và khó khăn bởi huỷ bằng cách nào?”. Rất nhiều người đã đặt câu hỏi, tại sao không sử dụng phần còn thừa sau chế biến thuỷ sản này phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi? Câu trả lời là không thể, bởi vướng… chính sách thuế. “Ngay cả trong trường hợp có cho không các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi phần nguyên liệu phế phẩm còn thừa này, thì họ cũng chẳng dám nhận. Nguyên liệu sản xuất thức ăn mà phải đóng thuế theo mức thuế của cá loại 1, thì không ai chịu nổi” (!?). Giả sử đem đi chôn, thì chôn ở đâu khi mà đất đai ngày một hiếm?”, ông Ninh đặt câu hỏi.

… Đến câu chuyện chính sách thuế
Tính riêng trong năm 2007, để đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 5 triệu USD, Hạ Long simexco đã phải nhập khoảng 30 tấn cá hồi, 38 tấn mực ống, 58 tấn bạch tuộc. Số nguyên liệu mà Công ty phải nhập khẩu về nhiều do nguồn cung từ trong nước khá hạn chế. Trong năm 2007, Công ty chỉ mua được 250 tấn bạch tuộc (so với 1.000 tấn của những năm trước) với giá cao gấp đôi, vì thế, theo ông Ninh, nhập khẩu nguyên liệu để chế biến là lựa chọn của các DN chế biến thuỷ sản xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cho biết, để đảm bảo kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD, những năm tới các DN trong ngành sản xuất xuất khẩu thuỷ sản cần tới sự “trợ giúp” từ nguyên liệu nhập khẩu là rất lớn.

Song, theo phân tích của các chuyên gia trong ngành thuỷ sản, thuế suất cao và được áp dụng đối với tất cả các loại là không phù hợp. Nếu chủ trương giữ mức thuế suất này nhằm đảm bảo phát triển sản xuất nuôi trồng trong nước, thì cần có sự phân biệt rõ. Giả sử đối với cá tra, cá ba sa thì có thể giữ mức thuế nhập khẩu cao để phát triển sản xuất trong nước. Đói với những loại thuỷ sản mà trong nước không nuôi trồng được, thì thuế cao sẽ gây trở ngại rất lớn cho các DN sản xuất xuất khẩu.

Hệ luỵ của chính sách thuế cao, thì DN đã gánh đủ như trường hợp của Hạ Long simexco nêu ở trên. Nếu tình hình vẫn tiếp diễn như vậy, lượng nguyên liệu thủy sản được nhập khẩu nhiều để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, thì hệ thống kho nào chưa được các phụ phẩm nói trên? Cũng cần phải nhìn thấy sự lãng phí ở đây, bởi ở thời điểm hiện tại, đầu cá hồi được bày bán tại các siêu thị trong nước có giá vào khoảng 30.000 đồng/chiếc. Vậy nhưng vì bị đánh thuế quá cao, DN đành phải để hàng tấn đầu cá trong kho, đến khi nào bị cháy lạnh (ngả sang màu vàng) thì mời cơ quan hải quan đến để xin huỷ.

Hiện tại, ngành sản xuất chế biến thuỷ sản đang là một trong những ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu rất lớn. Song, do đặc điểm tự nhiên ở trong nước, nhiều loại nguyên liệu phục vụ sản xuất rất hiếm, hoặc không có nên các DN phải nhập khẩu là rất phù hợp. Với chính sách thuế bất hợp lý như trên, DN trong ngành thuỷ sản đang gặp những phiền hà và bất hợp lý.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích ý kiến của ông Nguyễn Hữu Dũng: “Các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế đối với các mặt hàng thuỷ sản nhập khẩu. Chính sách thuế hợp lý đối với nguồn nguyên liệu, sẽ góp phần rất lớn làm tăng kim ngạch của thuỷ sản xuất khẩu Việt Nam trong những năm tới”.

Nguồn: Báo Đầu tư