“Bắt mạch” nền kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, tăng trưởng kinh tế quý I/2009 của Việt Nam đạt 3,1%, lạm phát 3 tháng đầu năm khoảng 1,47%. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, đây là một “tin mừng và khả quan” khi đặt trong điều kiện kinh tế thế giới hiện nay (thống kê của Ngân hàng Thế giới – WB cho thấy, ở hơn 170 nước chỉ có 12 nước tăng trưởng dương).

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, muốn đo đếm sức khỏe nền kinh tế cần nhìn vào những dữ liệu như xuất nhập khẩu tháng 3 và quý I, tại Việt Nam chưa có chỉ số niềm tin người tiêu dùng thì có thể xem xét chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Với nhận định hiện ngành xây dựng đã xuất hiện những tín hiệu khả quan, ông Thành khuyến nghị NĐT quan tâm sâu hơn tới các ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ, những ngành xuất khẩu dệt may da giày, gỗ hay những ngành gắn chặt với diễn biến thế giới như du lịch, tài chính.

Cũng theo ông Thành, ngay trong tháng 3 này các dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2009 rất khác nhau, nguyên do có thể xuất phát từ việc số liệu thu thập được để phân tích không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới khó đem lại cái nhìn chính xác. Chuyên gia này chia sẻ: “Tôi tin sau khi số liệu kinh tế quý I được công bố thì tính xác định trong các dự báo sẽ cao hơn. Cá nhân tôi nhìn nhận khó khăn lớn nhất rơi vào 3 quý đầu năm 2009, nên khả năng phục hồi của các nền kinh tế có thể vào đầu năm sau. Nền kinh tế Việt Nam nhỏ, cộng gói kích cầu nếu được triển khai tốt thì kinh tế Việt Nam có thể tiến triển nhanh hơn”.

Nhìn ra thế giới, dường như tin xấu trên thị trường tài chính vẫn chưa chấm dứt, khi ngày 20/3, nhà chức trách Mỹ đã làm thủ tục tiếp quản hai liên hiệp tín dụng có tổng tài sản 57 tỷ USD và đóng cửa ba ngân hàng có tổng tài sản hơn 1 tỷ USD, nâng số ngân hàng bị giải thể lên 20 kể từ đầu năm 2009.

Tiến sỹ Zhang Yunling, Giám đốc Vụ Nghiên cứu quốc tế, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, các ngân hàng Trung Quốc ít liên quan tới tình trạng cho vay dưới chuẩn ở Mỹ, nên khu vực ngân hàng ổn định, tác động lớn nhất tới nền kinh tế nước này là cầu từ bên ngoài giảm nhanh và mạnh. Tháng 11/2008, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2,2%, nhập khẩu giảm 17,9%; tháng 1/2009, xuất khẩu giảm 17,5%, nhập khẩu giảm 43,1%; tháng 2 xuất khẩu giảm 25,7%, nhập khẩu giảm 24,1%. Xu hướng giảm ngoại thương trong 4 tháng liên tiếp, đi kèm với xu hướng giảm mạnh của sản lượng công nghiệp đã buộc Trung Quốc điều chỉnh chính sách vĩ mô, bắt đầu từ tháng 9/2008 với việc giảm lãi suất cơ bản. Trong vòng 3 tháng cuối 2008, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ 5 lần, Chính phủ Trung Quốc tung ra gói kích thích trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ trong vòng 2 năm, trong đó 37,5% dành cho cơ sở hạ tầng, 9% cho khu vực nông thôn, 10% cho khu vực nhà ở, 25% cho xây dựng và 9% cho tái cấu trúc công nghiệp. Ngoài ra, hàng xuất khẩu được giảm thuế, đồng thời Nhà nước thực hiện chương trình đổi mới cho 10 ngành công nghiệp chủ chốt.

Giáo sư Takeshi Hachimura, hiện là cố vấn trưởng của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã điều chỉnh giảm lãi suất xuống còn 0,1%, thực thi các biện pháp khác nhau để bảo đảm ổn định thị trường, sử dụng nghiệp vụ cung cấp vốn USD và thanh khoản đồng Yên, lần đầu tiên thực thi công cụ trả lãi suất trên khoản dự trữ. Đồng thời, Nhật Bản thực thi các biện pháp hỗ trợ cấp vốn cho DN, mở rộng diện tài sản thế chấp hợp lệ, thực thi nghiệp vụ cung cấp vốn với lãi suất thấp, mua lại tất cả các hối phiếu thương mại.

Đề cập đến chính sách tỷ giá, Tiến sỹ Bambang P.S. Brojonegoro, Trưởng khoa Kinh tế Đại học Indonesia nêu một kinh nghiệm cần lưu tâm. Vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 1997, đồng Baht (Thái Lan) được thả nổi và ngay sau đó mất giá 15-20%, Ấn Độ bãi bỏ biên độ giới hạn cho đồng Rupiah khiến đồng tiền này mất giá nhanh ngay lập tức, Hàn Quốc cũng nới biên độ tỷ giá khiến đồng Won giảm mạnh. Với bài học châu Á đã trải qua trong cuộc khủng hoảng kinh tế trước, theo vị chuyên gia này, chính sách kích thích kinh tế là cần thiết, tuy nhiên cần phải có những bước tiếp theo để hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế, đặc biệt nên chú ý giữ vững giá trị đồng tiền thông qua sự phối hợp giữa các nền kinh tế trong khu vực.

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 3 và quý I/2009 của Việt Nam (tỷ đồng)

Chỉ tiêu

Tháng 3

Quý I/2009

Quý I/2009 so với cùng kỳ 2008

GDP

97.861

103,1%

Giá trị sản xuất công nghiệp

53.218

152.947

102,1%

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ

270.023

121,9%

Theo ĐTCK