Biến động tỷ giá thương mại năm 2015: Giá xuất khẩu có lợi tương đối so với giá nhập khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tỷ giá thương mại hàng hóa năm 2015 tăng 2,15%
 
Tỷ giá thương mại hàng hóa là chỉ tiêu kinh tế biểu thị mối quan hệ tỷ giá giữa hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu của một quốc gia. Chỉ số này hết sức quan trọng đối với một quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế, trao đổi thương mại tăng nhanh với các nước khác về nhiều hàng hóa và dịch vụ khác nhau. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân năm 2015 của Việt Nam tăng 2,15% so với năm 2014. Điều này phản ánh mức tăng thu nhập quốc gia của Việt Nam tính theo hàng hóa nhập khẩu của nước ngoài có sự tăng nhẹ.
 
Trong thời gian qua, giá xuất, nhập khẩu có nhiều biến động với xu thế giá nhiều mặt hàng ngày càng giảm, tuy nhiên tốc độ mức giảm giá không đều nên tỷ giá thương mại hàng hóa quý IV năm 2015 tăng 1,7% so quý trước, tăng 6,73% so cùng kỳ năm 2014. Số liệu thống kê cụ thể cho thấy trong khi chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý IV năm 2015 giảm 1,47% so với quý trước và giảm 3,58% so với cùng kỳ năm 2014 thì chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý IV năm 2015 giảm 3,11% so với quý trước và giảm 9,66% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính bình quân cả năm 2015, thì chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa giảm 3,79% so với năm trước, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 5,82% so với năm trước.
 
Nguyên nhân dẫn đến tỷ giá thương mại trong quý IV năm 2015 tăng là do giá nhập khẩu giảm nhiều hơn so với giá xuất khẩu do tác động của giảm giá xăng dầu và nhiều hàng hóa, nguyên phụ liệu khác. Thực tế cho thấy từ cuối năm 2014, giá dầu quốc tế lao dốc đã tác động tăng tỷ giá thương mại trong nhiều tháng. Thực tế này cho thấy, nếu xét trên mặt bằng chung, giá xuất khẩu vẫn có lợi tương đối so với giá nhập khẩu.
Trong quý IV năm 2015, giá xuất khẩu một số hàng hóa dầu thô, cao su, xăng dầu các loại, sản phẩm từ cao su đều giảm đã tác động lớn dẫn đến việc chỉ số xuất khẩu hàng hóa giảm. Cụ thể, dầu thô giảm 21,36%, cao su giảm 14,36%, xăng dầu các loại giảm 14,08%, sản phẩm từ cao su giảm 13,43%. Tuy nhiên, một số nhóm hàng khác tăng giá nhẹ, gồm có: hạt tiêu tăng 4,65%, máy móc thiết bị và phụ tùng tăng 3,96%, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 3,42%, sản phẩm mây tre cói thảm tăng 2,31%. 

Đối với nhập khẩu hàng hóa, Việt Nam có lợi thế khi chỉ số giảm giá hàng hóa giảm 5,82% so với năm 2014 vì các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu thuộc nhóm hàng chiến lược phục vụ cho sản xuất trong nước. Các mặt hàng giảm nhiều nhất so với quý III.2015 là xăng dầu (giảm 13,42%); khí đốt hóa lỏng (giảm 8,95%); sắt thép (giảm 5,84%). Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhập khẩu các nhóm hàng giảm chủ yếu do ảnh hưởng của giá dầu thô trên thế giới giảm do sản lượng đang ở mức cao kỷ lục và lượng sắt thép dư thừa nhiều.
 
Giá nhóm hàng nông sản, thực phẩm năm 2015 giảm 1,12% so với năm trước

Kết quả công bố thông kê cũng cho thấy, chỉ số giá nhóm hàng nông sản, thực phẩm quý IV năm 2015 giảm 1,18% so với quý trước và giảm 6,84% so với cùng kỳ năm 2014, bình quân năm 2015 giảm 1,12% so với năm trước. Chỉ số giá xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thực phẩm giảm là do tác động của các mặt hàng gồm thủy sản giảm 3,01%, cà phê giảm 4,33%. Theo phân tích của các chuyên gia của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá giảm các mặt hàng trên do một số nguyên nhân như: nhu cầu về sản phẩm cá da trơn tại các thị trường Mỹ và châu Âu đều giảm dẫn đến giảm sút lớn về giá cả và sản lượng tiêu thụ tại các thị trường này. Đồng thời, những quy định mới của Mỹ về tiêu chuẩn sản xuất và chế biến hàng thủy sản tạo ra khó khăn cho việc xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam. Ngoài ra, mặt hàng thủy sản khác như tôm, cua, ghẹ đều giảm giá do nhu cầu mặt hàng này tại các thị trường Nhật Bản, châu Âu giảm và sự cạnh tranh cao từ các nước có xuất khẩu mặt hàng này gồm Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador. 

Bên cạnh đó, một mặt hàng nông sản khác là cà phê cũng tiếp tục giảm giá mạnh do nguyên nhân nguồn cung cấp xuất khẩu cà phê dồi dào từ thị trường Brazil, Indonesia, nhưng nhu cầu cà phê trên thế giới tương đối ổn định. Một nguyên nhân khác ảnh hưởng tới giá cà phê của Việt Nam là giá cà phê của Brazil có lợi thế hơn từ việc phá giá đồng tiền của Brazil với mức khá lớn trong năm 2015. 
 
Bên cạnh giá một số sản phẩm giảm, thì còn có sự tăng giá nhẹ của một số nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam gồm gạo tăng 1,21%, hạt tiêu tăng 4,65%, hạt điều tăng 1,17%. Nguyên nhân của việc tăng giá nhẹ là do nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam từ Phillipine và Indonesia tăng với các hợp đồng lớn được ký kết trong năm, đẫn đến gạo xuất khẩu của Việt Nam có sự tăng về giá và lượng. Đối với sản phẩm hạt tiêu, Việt Nam thay thế dần Ấn Độ trong việc cung cấp mặt hàng này tới khách hàng tại thị trường Srilanca do hạt tiêu Ấn Độ bị nghi nhiễm độc. Một mặt hàng khác có giá tăng là hạt điều do nhu cầu về mặt hàng này tăng để phục vụ cho dịp lễ Noel và năm mới tại các thị trường Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc…

Thanh Bình
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân