Bộ Công Thương: Nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2008 ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2007. Đây là mức tăng trưởng xuất khẩu trong 1 tháng cao nhất từ trước tới nay, đã nâng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 30,6 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước.

 Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 6/2008 là 6,925 tỷ USD đã giảm đáng kể so với tháng 4 là 8,23 tỷ USD, tháng 5 là 7,67 tỷ USD. Do vậy nhập siêu trong tháng 6 giảm hẳn chỉ còn 715 triệu USD  so với 3,2 tỷ USD của tháng 4. Như vậy nhập siêu trong 6 tháng đã giảm nhiều so với dự kiến, chỉ còn 14,2 tỷ USD (bằng 46,5% so với xuất khẩu).

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm (đạt 61,2 tỷ USD, bình quân 5,15 tỷ USD/tháng), 6 tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu phải đạt 31,6 tỷ USD. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu cả năm không được vượt quá con số 80,2 tỷ USD, nhập siêu dao động ở mức 19-20 tỷ USD. Như vậy từ nay đến cuối năm mỗi tháng bình quân cả nước không nhập khẩu quá 5,9 tỷ USD và mức nhập siêu trung bình mỗi tháng không quá 700 triệu USD.

Kế hoạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm hoàn toàn khả thi

Bộ Công Thương nhận định  61,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và 80,2 tỷ USD nhập khẩu cả năm 2008 là nhiệm vụ hoàn toàn có thể thực hiện được. Hơn nữa, những doanh nghiệp có tỷ trọng hàng xuất khẩu cao như dầu thô, than khoáng sản, dệt may, đồ gỗ, thủy sản, gạo đều khẳng định dù khó khăn nhưng vẫn sẽ về đích đúng kế hoạch.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Hải quan, các địa phương  giải quyết, kịp thời mọi khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất.

Bộ Công Thương sẽ tập hợp kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xung quanh các vấn đề về vốn vay cho sản xuất và xuất khẩu. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm dần lãi suất cho vay, đảm bảo cung ứng đủ ngoại tệ, mở rộng biên độ dao động tỷ giá, tăng mức tín dụng, ưu tiên những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, hàng thiết yếu nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên thị trường góp phần bình ổn giá cả và những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Tình hình thiếu điện hiện nay đang là một trong những vấn đề gây bức xúc trong các doanh nghiệp.

 

Trong đó, tình trạng cắt điện bừa bãi, đột ngột, không theo kế hoạch, lịch trình và không thông báo trước đã gây cho doanh nghiệp nhiều tổn thất không tính hết được.

 EVN cần chủ động thông báo trước lịch cắt điện cho doanh nghiệp, xem xét ưu tiên cung cấp điện cho những doanh nghiệp có nhu cầu cao hơn, hạn chế tối đa tình trạng cắt điện đột xuất. Tổ kiểm tra liên ngành sẽ giám sát chặt chẽ tình hình cung cấp điện cho doanh nghiệp của ngành điện trong  6 tháng cuối năm.

Về các thủ tục thuế, hải quan và  thông quan hàng hóa tại các cảng biển, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu khẳng định,  sẽ tập hợp những kiến nghị của doanh nghiệp về tình trạng thu phí cao, thông quan chậm, thủ tục còn rườm rà ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và phân phối hàng, đề nghị Bộ Tài Chính, Tổng Cục Hải quan, Bộ Giao thông vận tải để tiếp tục đẩy mạnh cải tiến các quy trình, thủ tục hành chính để phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu nguyên, nhiên liệu.

Đồng thời, Tổ Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương sẽ tiến hành giao ban với các đơn vị liên quan 10 ngày / lần để kịp thời xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ban hành danh mục những mặt hàng hạn chế nhập khẩu

Hiện, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng danh mục 5 mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu như hàng tiêu dùng các loại, ô tô nguyên chiếc và linh kiện ô tô dưới 12 chỗ ngồi, phụ tùng ô tô, xe máy và linh kiện; 3 mặt hàng nhập khẩu cần kiểm soát gồm sản phẩm chết tạo từ gang thép, than cốc và các sản phẩm hóa dầu (LPG+dầu+nhựa đường), hàng hóa khác (đá quý, kim cương vàng bạc).

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu khẳng định Bộ Công Thương sẽ sử dụng nhiều biện pháp quyết liệt như tăng thuế, dán tem nhập khẩu bắt buộc, yêu cầu phải có giấy phép mới được nhập khẩu để kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập khẩu những mặt hàng chưa thực sự cấp thiết tại thời điểm này.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ