Bộ GTVT nêu hướng triển khai tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Quảng Ngãi – Bình Định
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việc tách tuyến cao tốc Bắc – Nam thành các dự án độc lập để giao cho các chủ đầu tư khác nhau thực hiện sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Một đoạn cao tốc Bắc - Nam qua Quảng Ngãi.
Một đoạn cao tốc Bắc – Nam qua Quảng Ngãi.

Đây là quan điểm của Bộ GTVT đối với đề xuất của UBND tỉnh Bình Định liên quan đến việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Bình Định.

Trong công văn vừa gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, UBND tỉnh Bình Định, Bộ GTVT cho biết là nay từ tháng 10/2019, bộ này đã giao nhiệm vụ cho các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ tổ chức lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc các đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn,  Hoài Nhơn – Quy Nhơn và Quy Nhơn – Tuy Hòa thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ GTVT.

Liên quan đến đề xuất giao UBND tỉnh Bình Định làm đại diện Cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Quảng Ngãi – Bình Định, Bộ GTVT cho biết là theo Nghị quyết số 52/2017/QH14, Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai tiếp các đoạn tiếp theo trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Bộ GTVT đang giao các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để làm cơ sở báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong thời gian tới theo quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư công.

Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Bình Định dự kiến đầu tư theo hình thức PPP có phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 14.045 tỷ đồng. Theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công đây là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định Chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, Bộ GTVT là chủ đầu tư hoặc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Trường hợp giao Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về UBND tỉnh Bình Định thực hiện, phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ phải sử dụng ngân sách địa phương sẽ rất khó khăn. Đồng thời, dự án là một phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông có tính chất kỹ thuật phức tạp và mang tính đồng bộ trên toàn tuyến, đặc biệt: hệ thống ITS, hệ thống thu phí phải kết nối toàn bộ hệ thống trên toàn tuyến nên việc tách các dự án độc lập để giao cho các chủ đầu tư khác nhau thực hiện sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

“Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Định chia sẻ và phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện để Bộ GTVT hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2020, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam, đoạn Quảng Ngãi – Bình Định trong giai đoạn năm 2020 – 2025, đồng thời thực hiện đầu tư xây dựng Dự án tuyến cao tốc đoạn Quảng Ngãi – Bình Định theo hình thức đối tác công tư có sự tham gia của phần vốn nhà nước.

Để tổ chức triển khai thực hiện, nhằm chủ động huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư dự án đạt hiệu quả, UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị Thủ tướng giao tỉnh này làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ đầu tư dự án.

Theo thiết kế quy hoạch, đoạn cao tốc Quảng Ngãi – Bình Định có chiều dài khoảng 170km (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định khoảng 110km), có điểm đấu nối với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019), điểm cuối dự kiến nối vào hầm Cù Mông (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019) và định hướng đầu tư trong giai đoạn năm 2020 – 2025.