Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Khuyến công góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hoạt động khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp nông thôn (còn gọi là hoạt động khuyến công) thời gian qua được Nhà nước rất quan tâm. Ngày 7/12/2007, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện công tác khuyến công theo NĐ số 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/6/2004. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì hội nghị.


1 đồng vốn “mồi”… thu hút 5 đồng vốn đầu tư


Theo Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), mặc dù công tác khuyến công (KC) mới đi vào hoạt động được 3 năm (từ năm 2005), nhưng đã có 64/64 tỉnh, thành phố xây dựng các Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp. Nhiều địa phương đã xây dựng chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; xây dựng quy hoạch, quy định kinh phí cho hoạt động KC… Tiêu biểu là các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định, Hà Tây, Phú Thọ, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre, Đồng Nai, Cà Mau, Tiền Giang…


Để thực hiện chức năng là cơ quan giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về KC, Bộ Công nghiệp trước đây (Bộ Công Thương hiện nay) đã giao cho Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) làm cơ quan đầu mối, liên kết, phối hợp với các bộ, ngành, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên minh HTX Việt Nam… nhằm huy động được nhiều nguồn lực của các tổ chức chính trị- xã hội, tham gia vào hoạt động KC. Kinh phí KC được hỗ trợ để đào tạo khởi sự DN (cho 4.321 người), lập 259 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, hoạt động huớng dẫn, nâng cao năng lực quản trị cho chủ cơ sở công nghiệp nông thôn; đặc biệt, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho hàng nghìn lao động ở nông thôn…

Qua 3 năm triển khai, hoạt động khuyến công đã tập trung phát triển các nhóm ngành, nghề: Công nghiệp chế biến nông- lâm- thủy sản; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động; sản xuất sản phẩm mới, hàng thay thế NK, hàng XK sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước; sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp; sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm cho các cơ sở sản xuất…


Kinh phí từ ngân sách nhà nước và địa phương hỗ trợ cho hoạt động khuyến công mặc dù chưa lớn, khoảng 163,53 tỉ đồng, chiếm 16,52% tổng kinh phí các dự án có kinh phí khuyến công (ngân sách nhà nuớc: 34,91 tỉ, ngân sách địa phương: 130,625 tỉ đồng) nhưng đã có tác dụng tạo lòng tin cho các tổ chức kinh tế, cá nhân, hộ cá thể đối với sự quan tâm của Nhà nước, đồng thời thu hút được một nguồn vốn khá lớn là 837,004 tỉ đồng đầu tư cơ sở công nghiệp nông thôn (chiếm 83%,48% và gấp 5 lần kinh phí ngân sách) vào công nghiệp nông thôn (CNNT).


Động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn tăng tốc


Hoạt động KC đã mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội rất lớn, nếu như tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn (GTSXCNNT) bình quân giai đoạn 2001-2003 chiếm 16,9% thì giai đoạn 2003- 2006 là 17,9%). Tỷ trọng GTSXCNNT trong toàn ngành tăng qua một số năm: từ 17,34% năm 2001 lên 17,8% năm 2003, 18,9% năm 2006 và dự kiến đạt 19,3% trong năm 2007.


Đặc biệt, tỷ trọng giá trị SXCN dân doanh tăng rất nhanh, từ 25,6% năm 2003 lên đến 36,5% năm 2007. Năm 2005, tại 48 tỉnh có triển khai hoạt động khuyến công, GTSXCN của khối công nghiệp dân doanh tăng 29,9%, cao hơn so với mức bình quân cả nước (24,4%). Năm 2006, tại 61 tỉnh có triển khai hoạt động khuyến công, GTSXCN của khối công nghiệp dân doanh tăng 27,4%, cao hơn so với mức bình quân cả nước (24,8%).


Chủ trương lớn – lực đẩy còn thiếu và yếu


Phát triển công nghiệp là chủ trương lớn của Nhà nước, nhưng khó khăn lớn nhất trong công tác KC là nguồn lực hiện nay còn quá thiếu và mỏng. Trước hết, nguồn kinh phí KC quốc gia và từ địa phương còn ít, chủ yếu từ ngân sách nhà nước (bình quân 3 năm ngân sách nhà nước cấp 862 triệu đồng/tỉnh/năm). Ông Võ Kinh Cự- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh- cho biết: “Kinh phí đầu tư cho KC còn khiêm tốn, trong 3 năm Hà Tĩnh chỉ có 20 dự án có kinh phí KC. Trung bình mỗi dự án chỉ được hỗ trợ 30- 40 triệu đồng, cao nhất là 80- 90 triệu đồng. Mỗi tỉnh trong 1 năm có 500- 700 triệu đồng kinh phí KC là quá ít ỏi”.

Cụ thể, năm 2006 kinh phí KC quốc gia được cấp cho cả nước là 10 tỉ đồng, chỉ bằng 12,6% và năm 2007 được cấp 20 tỉ đồng, bằng 23,2% so với nhu cầu. Vì thế, năm 2007, nhiều địa phương mới chỉ cấp kinh phí cho bộ máy làm công tác KC mà chưa bố trí kinh phí cho KC. Đội ngũ cán bộ của các Trung tâm KC (đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động KC) hiện nay được đánh giá còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là trong việc tư vấn, hướng dẫn phát triển CNNT, xây dựng và trực tiếp đề án KC. Vì thế, việc xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công hàng năm phụ thuộc chủ yếu vào đề nghị của cơ sở, dẫn đến quy mô của mỗi đề án nhỏ, manh mún, chưa thể hiện rõ ý nghĩa toàn quốc hoặc khu vực…

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:

“Hoạt động khuyến công góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thị phần của công nghiệp nông thôn trong công nghiệp cả nước nói chung, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất trong toàn ngành công nghiệp”.

Đặc biệt, nhận thức về công tác KC của các cấp, các ngành, DN, cán bộ và người dân còn hạn chế. Cá biệt ở một số nơi, chưa nhìn nhận đúng vai trò và tầm quan trọng của hoạt động KC, chưa thực hiện đồng bộ KC cùng với các chính sách khuyến công khác (như nông nghiệp, đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng, thông tin thị trường, khoa học công nghệ… cho cơ sở công nghiệp nông thôn). Do vậy hiệu quả của các chính sách khuyến công theo tinh thần NĐ số 134/2004/NĐ-CP chưa được phát huy đầy đủ.


Làm gì để tiếp tục phát triển khuyến công?


Tại hội nghị, đã có nhiều nhận định được đưa ra: Vì hoạt động KC là một nhiệm vụ mới nên trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền rộng rãi về hoạt động công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), hoạt động KC, chính sách phát triển CN-TTCN. Về phía Bộ Công Thương, cần ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất việc triển khai thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 136/QĐ-TTg. Theo đó, từ nay đến năm 2012 hoạt động KC cả nước sẽ tập trung thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo các chương trình sau: đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; nâng cao năng lực quản lý; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển các cụm – điểm công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Cần thực hiện mục tiêu đã được đề ra trong Quyết định 136/2007/QĐ-TTg: Huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp và các dịch vụ khuyến công ở nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế – lao động theo hướng công nghiệp hoá, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa – xã hội ở nông thôn. Phát triển công nghiệp ở nông thôn với tốc độ tăng trưởng không thấp hơn tốc độ bình quân cả nước. Đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp nông thôn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 28- 30%, kim ngạch XK hàng tiểu thủ công nghiệp đạt khoảng 1 tỉ USD, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến các sản phẩm nông- lâm- thuỷ sản.”.


Qua 3 năm thực hiện hoạt động KC đã khẳng định NĐ 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ nói chung và việc thực hiện hoạt động KC nói riêng là một chủ trương đúng, phù hợp, kịp thời và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Phát triển công nghiệp nông thôn đóng góp vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, có tác động trực tiếp đến 70% dân số cả nước, mang đến cho nền kinh tế nông thôn sự thay đổi đáng kể.

Ông Võ Kinh Cự – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Khuyến công ít, hiệu quả lớn


Đầu tư cho hoạt động KC còn khiêm tốn, trong 3 năm Hà Tĩnh chỉ có 20 dự án (khoảng 1,750 tỉ đồng). Mặc dù kinh phí cho hoạt động KC rất nhỏ nhưng có giá trị rất lớn, làm cho các tổ chức kinh tế, cá nhân, hộ cá thể có niềm tin vào chính sách của Nhà nước. Tôi xin ví dụ, ở Hà Tĩnh có một DN bắt đầu khởi sự, kinh phí Trung ương và tỉnh chỉ hỗ trợ cho DN đó được 150 triệu đồng nhưng DN dám bỏ ra tới 50 tỉ đồng vốn để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất. Tỉnh hỗ trợ cho vay vốn, ưu tiên lãi suất đầu tư. Vì thế, hiện nay, DN đã xây dựng một nhà máy có sản phẩm XK 100%, giải quyết việc làm cho 200 công nhân, nộp ngân sách một năm hàng tỉ đồng. Theo tôi, nếu có hàng trăm DN đuợc khuyến khích như thế thì chủ trương phát triển CNNT sẽ thành công lớn. Ở Hà Tĩnh, trong vòng 2 năm qua đã phát triển hơn 200 DN vừa và nhỏ.


Ông Nguyễn Văn Thành– Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Cần phân định rõ trong trách nhiệm quản lý công nghiệp địa phương

Bắc Kạn là tỉnh yếu nhất về công nghiệp cũng như KC, đến tháng 7/2007 Trung tâm KC mới ra đời nên hoạt động KC chưa phát triển. Tuy nhiên, quản lý nhà nước về công nghiệp cũng còn nhiều điểm chưa rõ ràng, như việc Bộ Xây dựng vẫn còn quản lý toàn bộ lĩnh vực công nghiệp trong xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại quản lý toàn bộ phần công nghiệp của nông nghiệp; ngành giao thông cũng quản lý toàn bộ công nghiệp liên quan đến giao thông. Việc quản lý như vậy dẫn đến tình trạng chồng chéo làm địa phương khó chỉ đạo, ảnh hưởng lớn đến công tác KC. Tôi đề nghị, cần phân định rõ công nghiệp nông thôn và ngành nghề nông thôn. Theo tôi, Bộ Công Thương cần quản lý tất cả những lĩnh vực liên quan đến công nghiệp.

Nguồn: Báo Thương mại